Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên của Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam trong thời gian tới

     Những năm qua, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam đã chú trọng từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên.

      Các cấp ủy luôn nhận thức rõ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của cấp ủy và là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của ủy ban kiểm tra các cấp. Việc quan tâm, chú trọng và giải quyết đơn, thư tố cáo không những kịp thời xử lý và ngăn ngừa vi phạm của cán bộ, đảng viên, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng mà còn làm rõ những đơn, thư của các đối tượng lợi dụng tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ, mất ổn định chính trị, giải tỏa sự nghi ngờ và chứng minh sự trong sạch đối với cán bộ, đảng viên bị tố cáo oan sai.

      Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã nhận 51 đơn (tăng 31 đơn so với nhiệm kỳ trước), trong đó phải giải quyết 28 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 07 đơn, người tố cáo rút 05 đơn, lưu 11 đơn (chủ yếu là đơn giấu tên, mạo tên); đã giải quyết xong 28/28 đơn. Đồng thời, ban hành Quyết định giải quyết tố cáo đối với 03 trường hợp với kết quả là cả 03 trường hợp đều chưa đủ cơ sở để kết luận có sai phạm. Về khiếu nại kỷ luật Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy giải quyết 01 trường hợp, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy giải quyết 01 trường hợp; kết quả vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật. Cấp ủy các cấp và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã thi hành kỷ luật 68 đảng viên, tăng 19 đảng viên so với nhiệm kỳ trước; không có tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật.

      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên còn gặp nhiều khó khăn:

      Một là, Ủy ban kiểm tra ở một số tổ chức đảng chưa làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại địa phương; một số cán bộ làm công tác kiểm tra còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm.

      Hai là, một số đảng viên vi phạm chưa nghiêm túc nhận khuyết điểm, sai phạm, có thái độ mặc cảm, định kiến, phản ứng, đối phó, tính tự phê bình kém, thiếu trung thực; việc giải trình còn quanh co, không hợp tác, khi kết luận có sai phạm thì chưa nghiêm túc nhận khuyết điểm hoặc tự nhận hình thức kỷ luật chưa phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm.

      Ba là, tiến độ giải quyết đơn thư tố cáo có trường hợp còn chậm. Vẫn còn tình trạng giải quyết đơn thư tố cáo đảng viên kéo dài nhiều năm chưa giải quyết xong do liên quan đến nhiều nội dung, cán bộ thuộc nhiệm kỳ trước đã nghỉ hưu,…

      Bốn là, đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên chiếm tỷ lệ cao (hơn 30%) gây khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh. Bên cạnh đó, một số đối tượng khiếu nại, tố cáo lợi dụng dân chủ, nên phát đơn tố cáo bừa bãi, vượt cấp, bịa đặt sự việc, đơn thư giấu tên… nhằm làm giảm uy tín của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

     Năm là, vẫn còn tình trạng vi phạm nguyên tắc giải quyết đơn, thư tố cáo, nhất là lộ thông tin người tố cáo.

    Sáu là, việc phối hợp hoạt động giữa cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp dưới với các cơ quan, ban, ngành có liên quan và ủy ban kiểm tra cấp trên có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời

    Từ những khó khăn trên về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy, ủy ban kiểm tra từ huyện đến cơ sở phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giải quyết tố cáo đảng viên.

     Các cấp ủy phải coi nhiệm vụ giải quyết đơn, thư tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp của cấp ủy để thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tránh tình trạng “khoán trắng” nhiệm vụ giải quyết tố cáo cho ủy ban kiểm tra. Hằng năm, cấp ủy phải xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; cụ thể hóa các văn bản của cấp trên về công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo để thực hiện ở địa phương mình.

    Thứ hai, tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát nói chung và công tác giải quyết đơn thư tố cáo nói riêng.

      Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách, pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước về vấn đề khiếu nại, tố cáo giúp họ nắm vững quyền và nghĩa vụ của người tố cáo. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp từ huyện đến cơ sở trong việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng và đảng viên.

      Thứ ba, coi trọng và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, xác minh; việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư phải được tổ chức một cách khoa học, chặt chẽ; quá trình xem xét, xử lý đơn, thư phải đảm bảo tính kịp thời, khoa học theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

      Chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo đảng viên tùy thuộc rất lớn vào việc thẩm tra, xác minh (là quá trình tìm kiếm, phát hiện, thu thập bằng chứng); vì vậy, phải hết sức coi trọng.

      Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời đối với đảng viên ở tất cả các lĩnh vực, các ngành và không có “vùng cấm”; phối hợp đồng bộ giữa công tác giải quyết tố cáo với kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật đảng; qua đó phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ lúc mạnh nha.

      Thứ tư, phải có sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

      Các vụ việc giải quyết tố cáo thường liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị, do đó Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cần phải chủ động tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quy chế phối hợp với các cơ quan như Thanh tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội,… trong công tác kiểm tra giám sát nói chung và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nói riêng.

    Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới.

     Cán bộ kiểm tra là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng, là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, chuyên trách về công tác kiểm tra. Khi bố trí cán bộ trực tiếp giải quyết đơn, thư phải lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, công tâm, khách quan, có trình độ năng lực, kinh nghiệm, đủ khả năng giải quyết vấn đề của đơn, thư tố cáo, thái độ giao tiếp, ứng xử có văn hóa, thường xuyên cập nhật văn bản, quy định, chủ trương mới liên quan đến các nội dung tố cáo; có thái độ đúng mức đối với người tố cáo và người bị tố cáo; tránh mọi biểu hiện bao che cho người bị tố cáo hoặc có thái độ hăm dọa người tố cáo.

 

 

     Thứ sáu, nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và quần chúng nhân dân nơi có đảng viên

      Hiện nay, trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch đã làm ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ và hành động của không ít cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực. Do vậy, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

     Tổ chức đảng mà trước hết là cấp ủy nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, kiểm tra đảng viên có đủ điều kiện nhận xét, đánh giá chất lượng đảng viên. Do đó, dựa vào cấp ủy trong quá trình thẩm tra, xác minh là một điều kiện thuận lợi hết sức cơ bản cần phải được vận dụng, khai thác, phát huy triệt để.Thực tiễn đã chứng minh: có nhiều vụ việc tiêu cực lớn xảy ra trong nội bộ Đảng, nhiều hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên lại do quần chúng nhân dân phát hiện. Vì vậy, tiến hành giải quyết tố cáo phải coi trọng việc phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng.

     Bảy là, phát huy dân chủ trong các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.

     Phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội và vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, chú ý thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát. Kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi lợi dụng dân chủ để kích động, xúi giục, gây rối tình hình nội bộ, xuyên tạc sự thật, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước

      Ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động, thường xuyên tham mưu cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng: đất đai, khoáng sản, tài chính,... Kịp thời phát hiện nơi “có vấn đề” để tổ chức kiểm tra, thanh tra, tránh tình trạng dân phản ánh hoặc dư luận quá bức xúc mới tiến hành giải quyết. Tổ chức đối thoại cũng là một nội dung rất quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đối thoại sẽ khắc phục tình trạng chủ quan, kết luận và quyết định thiếu chính xác, làm phức tạp thêm vấn đề và có thể dẫn đến vụ việc khiếu nại kéo dài. Việc tổ chức đối thoại với nhân dân vừa phát huy bản chất dân chủ, vừa thể hiện sự nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

      Tám là, đẩy mạnh sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tăng cường sinh hoạt chuyên đề.

      Để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, công tác giải quyết tố cáo đối với đảng viên nói riêng thực hiện được ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong giai đoạn mới, ủy ban kiểm tra các cấp phải hết sức coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, thường xuyên tổ chức giao ban, sinh hoạt chuyên đề về công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, trao đổi kinh nghiệm giữa ủy ban kiểm tra các cấp, tìm ra những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong thực tiễn gắn với những quy định của Đảng, tìm ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này tốt hơn trong thời gian đến, rút ra những kinh nghiệm hay, những việc làm được, đồng thời đây cũng là dịp để đội ngũ làm công tác kiểm tra của đảng có điều kiện tự chỉnh đốn, tự kiểm điểm, tự phê bình một cách nghiêm túc, nâng cao chất lượng kiểm tra, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới. Các chi đảng bộ cơ sở nghiêm túc triển khai thực hiện theo các hướng dẫn của Tỉnh ủy, Huyện ủy về Quy trình sinh hoạt chi bộ, trong đó, chú ý đến nội dung sinh hoạt chuyên đề hàng quý./.


Các tin khác