Hàm Thuận Nam đạt được những kết quả tích cực sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

       Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 17-KH/HU, tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt cấp huyện; đồng thời chỉ đạo cho cấp ủy các xã, thị trấn và các chi, đảng bộ trực thuộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Qua 05 năm triển khai thực hiện, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã thuần và thôn xen ghép đã có nhiều khởi sắc; sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm giữa các ngành, các cấp được tăng cường.

     Đánh giá kết quả qua năm năm thực hiện, các chính sách an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư nhiều hơn; đã cấp đất cho 640 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích 714,5 ha; tạo điều kiện cho 1.352 hộ được vay  vốn với tổng số tiền 49.717 triệu đồng để phục vụ phát triển sản xuất, chăn nuôi và chuyển đổi nghề nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

      Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục, y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm. Số học sinh dân tộc thiểu số luôn tăng qua các năm học. Đội ngũ giáo viên ngày được tăng cường củng cố, cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập. Công tác phổ cập giáo dục, công tác khám chữa bệnh luôn được quan tâm thực hiện và duy trì thường xuyên; các chương trình y tế quốc gia, phòng chống bệnh xã hội, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, y tế cộng đồng được triển khai thực hiện đồng bộ. Trạm y tế xã Hàm Cần và xã Tân Thuận được quan tâm đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất. Các chính sách bảo hiểm y tế cũng được quan tâm triển khai và thực hiện đầy đủ cho các đối tượng.

      Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Tăng thời lượng phát thanh, cung cấp sách báo, khẩu hiệu, băng rôn; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. Thời gian qua, đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, hệ thống thiết bị nghe nhìn (âm thanh, ti vi...); qua đó, thuận tiện trong việc cập nhật nắm bắt thông tin, giải trí, tập luyện và biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ tại cơ sở cũng như tập luyện chương trình tham gia hội thi, hội diễn cấp huyện và cấp tỉnh.

      Công tác dân vận trong lực lượng vũ trang vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; thường xuyên thăm hỏi người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua đó nắm tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân tránh để các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội lôi kéo, xúi dục, kích động gây mất an ninh trật tự tại địa phương; đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

      Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đã thật sự trở thành cầu nối giữa Đảng với Nhân dân trong huyện; các tổ chức đã làm tốt vai trò tập hợp đoàn viên, hội viên; thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Qua 05 năm đã tổ chức 33 buổi tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Trung ương, tỉnh và huyện về công tác dân tộc với 797 người tham dự; thường xuyên tổ chức các hoạt động tại các xã và kết nghĩa với các thôn thuần, xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho đồng bào còn gặp khó khăn như hỗ trợ xây mới 2 căn nhà với số tiền 100 triệu đồng, sửa chữa 2 căn với số tiền 53 triệu đồng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giao lưu kết nghĩa, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và phát huy người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng; qua đó đã tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

      Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm; đã thực hiện việc cử đào tạo cán bộ, công chức về chuyên môn, chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước. Hiện tại có 52 cán bộ dân tộc thiểu số được bố trí các chức danh phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND và chức danh công chức khác theo quy định. Đến nay, 02 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đủ số lượng cán bộ, công chức theo quy định. Công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên; hiện nay số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số là 84 đảng viên, chiếm 3,82% đảng viên của huyện; các thôn ở đồng bào thuần dân tộc thiểu số đều có tổ chức Đảng và đảng viên.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn huyện Hàm Thuận Nam còn có một số khó khăn, hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào một số nơi chưa thường xuyên. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Mức độ tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa của đồng bào nhìn chung vẫn còn thấp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng có mặt còn hạn chế. Một số hộ vẫn còn thiếu đất sản xuất; việc phá rừng, lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy vẫn còn xảy ra; tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng còn cao; một số hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

      Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khắc phục những hạn chế kể trên, trong thời gian sắp đến các cấp ủy, chính quyền trong huyện cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

      Các cấp ủy tiếp tục chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy và các văn bản liên quan đến công tác dân tộc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Chú ý nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện công tác dân vận của Đảng.

      Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, không ngừng củng cố, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

      Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch.

      Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền và chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

      Tăng cường công tác kết nghĩa giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, các phòng, ban đối với các thôn xen ghép, thuần đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các phòng, ban nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc. Chú ý xây dựng, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của địa phương.


Các tin khác