Một số vấn đề về nâng cao năng lực của cán bộ kiểm tra các cấp trong huyện thời gian tới

      Từ thực tế lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đã khẳng định: Công tác kiểm tra có vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra nhằm bảo đảm đường lối, chính sách của Đảng được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Để công tác kiểm tra của Đảng đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng thì đòi hỏi, yêu cầu đối với cán bộ kiểm tra hơn bao giờ hết phải được đặt lên hàng đầu.

Cán bộ kiểm tra là đội ngũ chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đội ngũ cán bộ kiểm tra là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp. Vì vậy, cán bộ kiểm tra phải đạt yêu cầu về cả hai mặt: Đạo đức và trình độ, năng lực. Khi đáp ứng được cả hai yêu cầu này cán bộ kiểm tra sẽ có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của Đảng giao.

Về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng được thể hiện qua việc cán bộ kiểm tra phải tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng. Lòng trung thành và tính gương mẫu của cán bộ kiểm tra được thể hiện ở lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí, tính chiến đấu cao khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước những tác động tiêu cực hoặc những cám dỗ đời thường, cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh, không bị ngả nghiêng, dao động, bị mua chuộc,… mới giúp cho các kết luận kiểm tra khách quan, chính xác. Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra xác định rõ vì lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng để nói đúng sự thật, không thiên vị, không thiên tư, thành kiến và không chen động cơ cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với việc phải tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, cán bộ kiểm tra còn phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể: Cán bộ kiểm tra phải nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương pháp cơ bản tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của Đảng. Đồng thời, nắm vững nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức, quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra cấp mình và nhiệm vụ được phân công. Nắm vững quy trình, cách tiến hành và thực hiện thành thạo công tác kiểm tra từ khâu lập kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch, thẩm tra, xác minh, viết báo cáo; dự thảo quyết định, thông báo; theo dõi việc thực hiện quyết định, thông báo, lập hồ sơ lưu trữ…

Chính vì những yêu cầu và đòi hỏi nêu trên nên Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Thuận Nam rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng trong toàn huyện. Hiện nay, đối với Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thì 06/07 đồng chí ủy viên có trình độ chuyên môn là đại học, 01/07 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 07/07 đồng chí đều có trình độ lý luận chính trị là cao cấp; đối với cấp cơ sở có 03/80 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 56/80 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng, 13/80 đồng chí có trình độ trung cấp; 13/80 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 55/80 đồng chí có trình độ lý luận chính trị là trung cấp. Đồng thời, cấp ủy các cấp luôn tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác kiểm tra thường xuyên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ do cấp trên tổ chức.

Nhìn chung ủy ban kiểm tra các cấp, đội ngũ cán bộ kiểm tra hiện nay cơ bản đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng; trình độ năng lực nhiều mặt được nâng lên. Cùng với yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, cán bộ kiểm tra đã không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, giữ vững bản lĩnh và đạo đức cách mạng. Song hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm trên nhiều lĩnh vực một cách tinh vi, phức tạp hơn trước. Cán bộ kiểm tra cũng bị chịu nhiều sức ép, nhiều sự chi phối, cám dỗ... nếu không có bản lĩnh thì rất khó vượt qua.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trên hết, cán bộ kiểm tra của Đảng đã không ngừng nỗ lực vươn lên, rèn luyện bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp ủy giao.  Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt đã làm cho trong Đảng không còn “vùng cấm”; củng cố và từng bước tiếp tục xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

      Tuy nhiên, một số cán bộ làm công tác kiểm tra nhất là ở cấp cơ sở có lúc, có nơi khi thực hiện nhiệm vụ vẫn còn biểu hiện tình trạng nể nang, né tránh; còn hạn chế về nghiệp vụ; thường xuyên thay đổi nhân sự chủ yếu là do mức phụ cấp quá thấp, lại không có công tác phí nếu được cử đi công tác nên đa số cán bộ làm công tác kiểm tra cấp cơ sở phải làm thêm nhiều công việc khác để tăng thu nhập nhằm ổn định cuộc sống gia đình, dẫn đến tư tưởng còn chưa ổn định, không yên tâm công tác thể hiện rõ nhất là hiệu quả công việc chưa cao. Bên cạnh đó, là cùng lúc phụ trách nhiều công việc nên tiến độ, hiệu quả chưa đạt yêu cầu đề ra.

      Có thể nói, cán bộ kiểm tra là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng, là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; phấn đấu để có một đội ngũ cán bộ kiểm tra ngang tầm với nhiệm vụ chính trị là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, đặt ra vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách cần phải được nghiên cứu nghiêm túc và giải quyết kịp thời một cách đồng bộ. Do đó, các cấp ủy đảng trong huyện cần thực hiện một số giải pháp sau:

      Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; động viên cán bộ làm công tác kiểm tra tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kiểm tra; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những người lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, làm sai chức trách, nhiệm vụ được phân công.

      Hai là, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy phải thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đủ năng lực chính trị và chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác, tránh tình trạng đưa cán bộ làm kiểm tra nhằm thực hiện chế độ, chính sách.

      Ba là, quan tâm, tạo điều kiện về phương tiện vật chất cho ủy ban kiểm tra nhất là ở cấp cơ sở; đặc biệt quan tâm, đề xuất, kiến nghị các chế độ chính sách đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cơ bản của cán bộ làm công tác kiểm tra cấp cơ sở vì đây cũng là vị trí có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu cho cấp ủy cơ sở thực hiện công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ cũng ngày càng nhiều tương đương so với một công chức cấp xã nên cần có chế độ tương xứng./.


Các tin khác