Hàm Thuận Nam tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy

  • /
  • 30.11.2013 - 14:38

Tiếp thu Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kết luận số 40-KL/TU và Kết luận số 94-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ của Tỉnh ủy“Về xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo”; Ban Thường vụ Huyện ủy mở hội nghị quán triệt Nghị quyết cho toàn thể cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn.

Qua học tập quán triệt nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân được nâng lên; thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết và các Kết luận là chính sách nhân đạo, nhân văn sâu sắc nhằm giúp cho những vùng nghèo, người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các hộ gia đình, vùng, miền ở địa phương. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số của Tỉnh ủy, Chương trình của Huyện ủy, 05 năm thực hiện Kết luận số 40 và 03 năm thực hiện Kết luận số 94 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy, các nhiệm vụ cơ bản đặt ra được triển khai khá đồng bộ, nhiều chỉ tiêu đạt khá và hoàn thành nhiều nội dung, nỗi rõ là:

 

1-Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế.

- Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Chương trình chuyển đổi, canh tác trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục thực hiện, các loại cây lương thực có năng xuất và hiệu quả kinh tế cao thay thế dần cho giống cây trồng thuần tuý năng xuất thấp ở địa phương trước đây; nhiều nơi chuyển đất màu, đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao như: cây cao su, cây thanh long, cây điều…, chăn nuôi bò, dê, heo và gia cầm phát triển mạnh. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mỹ Thạnh, Hàm Cần) đầu tư trồng thanh long, trồng cao su cho hiệu quả kinh tế. Số hộ đồng  bào dân tộc thiểu số xã Hàm Cần trồng cao su là 11 hộ/24ha; số hộ trồng thanh long là 139 hộ/122,25ha (trong đó Mỹ Thạnh 10 hộ/5,25ha, Hàm Cần 58/27ha, Tân Thuận 125/90ha). Số trâu, bò hiện có 2.936 con (Mỹ Thạnh 464 con, Hàm Cần 1.780 con, Tân Thuận 712 con).

          -Đối với vùng ven biển: Chỉ đạo và tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề, tập trung vào nghề khai thác các loại thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao. Quy hoạch và phát triển nuôi thuỷ sản trên biển, đẩy mạnh nuôi tôm và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt. Những nơi có điều kiện kết hợp phát triển kinh tế thuỷ sản với nông, lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ, nhất là các xã bãi ngang ven biển (Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận), từ đó tạo cơ hội, điều kiện cho người nghèo có việc làm, từng bước tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.

-Đối với vùng đồng bằng: Phát triển từng bước hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, tưới tiêu để khai thác có hiệu quả số diện tích đất canh tác. Đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, tăng nhanh sản lượng cây ăn quả xuất khẩu, đặc biệt là cây thanh long, khuyến khích các hộ gia đình đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống nhằm sử dụng tốt lao động ở địa phương.

2-Việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất, đời sống cho người nghèo.

-Về thực hiện các chính sách ưu đãi cho hộ nghèo:

Việc giải quyết cho hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất được UBND huyện tập trung chỉ đạo, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cải tiến thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt và giải ngân tiền vay, đảm bảo giải ngân kịp thời nguồn vốn cho người nghèo vay và đảm bảo cho 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn được vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục tăng cường vận động, huy động các nguồn vốn từ cộng đồng giúp nhau làm kinh tế gia đình, tranh thủ các nguồn vốn tín dụng do các tổ chức phi chính phủ tài trợ để cho đoàn viên, hội viên nghèo vay phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

Tổng doanh số cho vay 253,7 tỷ đồng, của 10 chương trình cho vay (hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh-sinh viên, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nhà ở hộ nghèo, Thương nhân vùng khó khăn và nước sạch vệ sinh môi trường). Trong đó, cho vay đầu tư phát triển sản xuất là 144,3 tỷ đồng; vay mua bò theo Nghị quyết 04 là 2,1 tỷ đồng; vay vốn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để học tập là 40,2 tỷ đồng; vay giải quyết việc làm 16,085 tỷ đồng; cho vay vốn đi lao động nước ngoài 1,9 tỷ đồng.

-Về giải quyết đất sản xuất cho nhân dân:

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 07-NQ/HU của Huyện ủy, huyện đã cấp 598,05 ha đất sản xuất cho 505 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó: xã Hàm Cần 508 ha/441 hộ; xã Mỹ Thạnh 41,5 ha/40 hộ; xã Tân Lập 48 ha/24 hộ; bình quân 2ha/ hộ (đối với xã Hàm Cần và xã Tân Lập); trên 01 ha/ hộ đối với thôn 2 xã Mỹ Thạnh. Đa số diện tích đất được cấp các hộ đồng bào đã đưa vào sản xuất có hiệu quả; từ đó từng bước nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 3534/KH-UBND, ngày 14/9/2012 về giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Quyết định số 2452/QĐ-UBND, ngày 05/12/2012 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện cấp 32,5 ha đất cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Hàm Cần thiếu đất sản xuất; đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ chuẩn bị khai hoang, cấp 93,18 ha đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Mỹ Thạnh.

-Về giao khoán bảo vệ rừng:

Diện tích rừng được giao khoán theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) ổn định, với tổng diện tích 7.726,97 ha/200 hộ, trong đó: Hàm Cần 2.259,48 ha/59 hộ; Mỹ Thạnh 3745,99 ha/96 hộ; Thôn Chăm xã Tân Thuận 1.721,5ha/45 hộ. Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số thôn 1 xã Hàm Cần nhận giao khoán bảo vệ rừng theo chương trình khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên với diện tích 904 ha/21 hộ.

Công tác giao khoán, bảo vệ rừng đã tạo thêm nguồn thu nhập. Các hộ nhận giao khoán bảo vệ đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; số vụ phá rừng trái phép làm rẫy và xâm chiếm đất rừng không có xảy ra, ý thức bảo vệ rừng của đồng bào từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

-Kết quả giảm nghèo theo tiêu chí đề ra hàng năm đạt, nhưng do thị trường giá cả chưa ổn định, vật tư xăng dầu liên tục tăng cao, thu nhập của người dân còn thấp; vì vậy nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn.

-Công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa tập trung đúng mức cho công tác giảm nghèo. Ý thức vươn lên để thoát nghèo trong một bộ phận nhân dân chuyển biến còn chậm, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và của cộng đồng; còn để xảy ra tình trạng dân tự bán bò từ nguồn vốn vay, sang nhượng đất được cấp, quản lý rừng giao khoán thiếu chặt chẽ.

-Trình độ dân trí một bộ phận còn thấp, chất lượng công tác phổ cập giáo dục chưa vững chắc, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ có mặt còn hạn chế.

-Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án về giảm nghèo hiệu quả chưa cao; công tác lập hồ sơ dự án, thiết kế kỷ thuật cũng như việc xem xét thẩm định của các ngành chức năng có lúc còn chậm, nên việc triển khai, thi công một số công trình chưa đảm bảo tiến độ, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào xã Mỹ Thạnh chưa đảm bảo kế hoạch.

-Những mô hình sản xuất có hiệu quả chậm được nghiên cứu phổ biến ra diện rộng; các nguồn vốn, dự án đầu tư, hỗ trợ cho người nghèo, xã nghèo còn hạn chế.

3- Một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

-Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo trong các tầng lớp nhân dân, nhằm làm cho mọi người nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn. Qua đó, vận động nhân dân, các tổ chức tham gia đóng góp và giúp đỡ trực tiếp người nghèo tại cộng đồng vươn lên thoát nghèo.

-Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho hộ nghèo, người nghèo; tạo điều kiện về các dịch vụ tín dụng cho người nghèo, bảo đảm 100% hộ nghèo thiếu vốn được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Triển khai tốt các dự án cấp đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

-Tiếp tục hỗ trợ, cải thiện nhà ở, cho người nghèo (theo tiêu chí mới): bằng các nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện cùng với nguồn huy động đóng góp của cộng đồng, thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cũng như bản thân hộ nghèo góp sức đẩy mạnh việc cải thiện nhà ở, nhằm cơ bản không còn hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 đến 2% một cách vững chắc.

-Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhất là đối với các vùng miền núi đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, công trình giao thông nông thôn, cơ sở y tế, giáo dục.

-Đẩy mạnh cuộc vận động “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

-Củng cố, kiện toàn xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đủ sức quản lý, điều hành mọi hoạt động của địa phương.

 

                                                                                     Lê Tư


  • |
  • 1255
  • |

Các tin khác