Hàm thuận nam tổng kết 12 năm (2001-2012) thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị

  • /
  • 27.2.2013 - 8:21

Những năm qua Hội Nông dân đã không ngừng đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động và đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực.

 

Thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Bộ chính trị (khóa VIII); Công văn số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân vững mạnh về mọi mặt xứng đáng là lực lượng cơ bản trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa và dân chủ hóa”. Từ những chuyển biến trên, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và các cấp Hội nông dân trong huyện thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỷ thuật trong sản xuất, tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần đáng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của huyện đề ra.

Qua 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 59 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, công tác cán bộ Hội Nông dân các cấp trong huyện được các cấp uỷ quan tâm chỉ đạo, nhất là sau các kỳ Đại hội hết nhiệm kỳ. Cán bộ Hội được nâng lên cả số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Hội, cán bộ chủ chốt có bước trẻ hóa và tính kế thừa, trình độ được nâng lên một bước đảm bảo các tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong công tác vận động nông dân và công tác Hội trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, toàn huyện có 504 đảng viên là hội viên nông dân, có 10/13 Chủ tịch Hội nông dân cơ sở là đảng viên, trong đó có 05 đồng chí là cấp Ủy viên, có 08 đồng chí đang học trung cấp chính trị.

Những năm qua Hội Nông dân đã không ngừng đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động và đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Hàng năm, Hội đã tập hợp được từ 400-500 nông dân vào tổ chức Hội; xây dựng, củng cố kiện toàn các chi, tổ Hội gắn với địa bàn thôn xóm, liên canh, liên cư hoặc theo nghề nghiệp với quy mô hình thức phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng ngành nghề. Đến nay, toàn huyện có 16.915 hội viên nông dân chiếm 86% so với tổng số hộ nông nghiệp và 31% so với tổng số lao động nông nghiệp, chất lượng hội viên ngày được nâng lên; tỷ lệ Hội viên tham gia sinh hoạt tăng, có nơi duy trì từ 80% - 90%. Công tác xây dựng và phát triển cốt cán chính trị được quan tâm, tổng số hội viên cốt cán là 801 hội viên và 3.257 hội viên nòng cốt. Nội dung hoạt động của Hội là nâng cao nhận thức chính trị cho nông dân, thực hiện vai trò nòng cốt trong các phong trào nông dân phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, các phong trào nổi bật đó là: phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội nông dân làm nòng cốt ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, ngày càng có nhiều hộ nông dân thoát được nghèo, không ít hộ vươn lên làm giàu. Qua tổng kết phong trào và biểu dương các điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2012 các cấp Hội đã bình chọn 8.721 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: cấp Trung ương 23 hộ, cấp tỉnh 259 hộ, cấp huyện 1.889 hộ và cấp xã 6.550 hộ.

Hội thực hiện tốt Chương trình liên tịch giữa Trung ương Hội nông dân Việt Nam với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để giúp nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất, hàng năm thông qua các Tổ liên doanh vay vốn Hội đã tín chấp cho từ 4.000-5.000 hộ vay với số tiền từ 45 đến 50 tỷ đồng. Đồng thời, Hội còn tranh thủ các nguồn vốn trung, dài hạn, vốn giải quyết việc làm để đầu tư cho nông dân sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, bằng nội lực của chính mình, những năm qua các cấp Hội tích cực vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, với số tiền gần 800 triệu đồng, hàng năm hội đã giúp từ 250-300 lượt hộ hội viên vay. Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho hội viên nông dân áp dụng vào sản xuất, hàng năm có từ 70-80 lớp được mở với 1.200-1.500 hội viên tham gia.

Ngoài ra, các cấp Hội tích cực vận động nông dân đóng góp ngày công, kinh phí tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn; tham gia có hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập GDTH, phổ cập GDTHCS, công tác DS-KHHGĐ; phong trào đền ơn đáp nghĩa; làm tốt công tác hậu phương quân đội, phụng dưỡng mẹ VNAH; thực hiện tương thân tương ái giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt, hoạn nạn; tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, tổ chức Hội và phong trào nông dân còn có mặt hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chưa thu hút đông đảo lực lượng nông dân vào tổ chức Hội, tỷ lệ thấp so với lực lượng lao động nông nghiệp; số ít nơi Hội viên chưa thật sự gắn bó với tổ chức Hội; trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ Hội chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; việc nắm bắt, đề đạt những tâm tư nguyện vọng của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Với những kết quả đó và trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2020”, Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 29/11/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 05-CT/HU, ngày 10/12/2010 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2020” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hội viên nông dân nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các cấp Hội.

Hai là, các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên cơ sở nhiệm vụ chính trị địa phương để định hướng hoạt động Hội và phong trào nông dân. Thực hiện quy chế làm việc định kỳ giữa cấp ủy với Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp.

Ba là, bố trí đủ cán bộ chuyên trách Hội Nông dân theo qui định, bảo đảm cán bộ Hội đủ các tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất, uy tín, có tác phong gần gũi với quần chúng, am hiểu nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bồi dưỡng và tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt Hội Nông dân các cấp tham gia cấp ủy.

Bốn là, chỉ  đạo phân công đảng viên ở nông thôn tham gia sinh hoạt Hội Nông dân, gương mẫu thực hiện và vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, có kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Năm là, các cấp chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể tiếp tục thực hiện Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg và Chỉ thị số 26-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh ở địa phương. Chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; có kế hoạch xây dựng, bổ sung quy chế, chương trình phối hợp hoạt động giữa Ủy ban Nhân dân, các ban, ngành…với Hội Nông dân các cấp, tạo điều kiện để Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc của chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sáu là, các cấp Hội Nông dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, phát triển hội viên mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống hội viên, nông dân, xây dựng nông thôn mới, hướng mạnh về cơ sở, tập trung xây dựng Hội cơ sở vững mạnh, nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nông dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân. Quan tâm công tác xây dựng, cũng cố và phát triển lực lượng hội viên nòng cốt, cốt cán  chính trị.

 

Bảy là, các cấp ủy Đảng và chính quyền cùng cấp cần quan tâm đến quy hoạch, đề bạt, sắp xếp bố trí, đào tạo cơ bản về chính trị và chuyên môn cho cán bộ Hội cùng cấp. Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện và ngành chức năng mở các lớp bồi dưỡng cán bộ Hội về quan điểm công tác vận động quần chúng của Đảng, chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất…, tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị địa phương.

Lê Văn Tư


  • |
  • 1008
  • |

Các tin khác