Hàm Thuận Nam tổng kết Thông tri số 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII)

  • /
  • 28.6.2013 - 10:36

Tiếp thu Thông tri số 03/TT-TW, ngày 17/10/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác đối với đồng bào Chăm; Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện, đặt biệt là xã có đông đồng bào Chăm (Tân Thuận) tổ chức tuyên truyền, triển khai quán triệt trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân đạt được những kết quả sau:

-Về kinh tế và đời sống:

 

Toàn huyện có 1223 hộ/5386 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 5,6% so với tổng dân số; trong đó dân tộc Chăm 259 hộ/1610 khẩu, chiếm tỷ lệ 21,17% hộ/ 29,89% khẩu so với tổng số đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện, hầu hết đồng bào Chăm cư trú tại xã tân Thuận (sống tập trung tại 04 thôn: Hiệp Phước, Hiệp Nhơn, Hiệp Hòa và Hiệp Nghĩa). Qua triển khai thực hiện Thông tri số 03 của Ban Bí thư (khóa VII) về công tác đối với đồng bào Chăm và nhất là việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số; Ban Thường Huyện ủy đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 17/7/2002, về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số; kế hoạch số 06-KH/HU, ngày 21/4/2006 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; UBND huyện ban hành các chương trình hành động, kế hoạch và vận dụng nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác dân tộc để triển khai, thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Chăm; cấp ủy Đảng và UBND xã Tân Thuận tạo điều kiện cho đồng bào Chăm phát triển kinh tế gia đình, cụ thể: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Xây mới 45 nhà; sửa chữa 47 nhà, công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, tạo công ăn, việc làm: Có 23 hộ nhận khoán 877,7 ha rừng; hỗ trợ mua bò phát triển kinh tế: Đồng bào Chăm xã Tân Thuận được hưởng Chương trình 327 do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, cho vay 40 con bò sinh sản/ 40 hộ, trị giá 97 triệu đồng, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy cho vay mua 159 con bò/ 121 hộ, trị giá 824,25 triệu đồng.

 

-Về văn hóa- xã hội:

Thực hiện Thông tri số 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), nhất là thực hiện Nghị quyết 05 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Chăm được phát huy tốt, việc phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm được chú trọng, như lễ hội Katê, lễ hội Rija Nưrganh,... bên cạnh đó, việc chiếu phim của trung tâm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật biểu diễn nhiều tiết mục mang đậm nét văn hóa Chăm để phục vụ cho đồng bào Chăm nhân các ngày lễ, kỷ niệm. Qua khảo sát có 100% các hộ gia đình đồng bào Chăm có ti vi phục vụ cho việc giải trí; hệ thống truyền thanh của xã hoạt động cơ bản tốt, hiện nay địa phương đã xây dựng 01 nhà văn hóa phục vụ cho sinh hoạt của đồng bào dân tộc Chăm.

-Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào Chăm luôn được giữ vững, đồng bào tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam mới đem lại quyền bình đẳng cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Với nhận thức đó, người Chăm luôn phát huy truyền thống xây dựng tình đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc anh em, không để xảy ra trình trạng mất đoàn kết giữa người Chăm với người Kinh, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thể lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

-Công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội vùng đồng bào Chăm:

Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào Chăm tiếp túc được củng cố, đến nay đồng bào Chăm xã Tân Thuận có Chi bộ và ngày càng có nhiều người Chăm tham gia vào tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội tại địa phương. Công tác kết nạp đảng, bồi dưỡng, bố trí cán bộ là người Chăm được thực hiện tốt. Đến nay phát triển 04 đảng viên; 02 đồng chí là người Chăm đang công tác tại xã; 01 đồng chí công tác tại thôn và 01 giáo viên đang giảng dạy tại xã. Điều đáng phát huy, đồng Chăm luôn có ý thức vươn lên trong học tập, đến nay trình độ 12/12 là 40 người, chiếm tỷ lệ 2,58%; cao đẳng, trung cấp, 10 người, chiếm tỷ lệ 0,64%; đại học 05 người, chiếm tỷ lệ 0,32% so với tổng số đồng bào Chăm toàn huyện…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mặt công tác ở vùng đồng bào Chăm, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh hỗ trợ đồng bào Chăm phát triển kinh tế, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

-Khẩn trương thực hiện Đề án phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Chỉ thị số 1971/CT-TTg, ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế gắn với an ninh, quốc phòng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội còn tiềm ẩn, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm.

-Tăng cường công tác an ninh, chính trị, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chống lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo; củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể chính trị- xã hội trong vùng đồng bào Chăm thực sự vững mạnh.

-Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 25-NQ/TU, ngày 14/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/01/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, trong đó có công tác đối với đồng bào Chăm.

 

-Động viên và tạo điều kiện cho học sinh người Chăm theo học các trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, các trường đại học trên cả nước; quan tâm giải quyết việc làm cho con em người dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trong đó chú ý tiếp nhận một số em vào làm các vị trí phù hợp trong bộ máy cấp xã.

                                                                                                   Lê Văn Tư


  • |
  • 1157
  • |

Các tin khác