Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Huyện Hàm Thuận Nam

Trong công tác xây dựng Đảng, cùng với công tác tư tưởng và công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát có vai trò và ý nghĩa to lớn. Mục đích tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm, xem xét, kết luận rõ đúng, sai để giúp cho tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra thấy được ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm và xử lý kịp thời những vi phạm để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Thực hiện tốt kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn có tác dụng rất lớn trong công tác ngăn ngừa không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng... đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hàm Thuận Nam đã có chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng góp phần tích cực vào thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Thực hiện Chương trình số 16-CTr/HU, ngày 25/8/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “công tác kiểm tra, giám sát năm 2016” đã thành lập 13 tổ và tiến hành kiểm tra 38 lượt tổ chức đảng cấp dưới (trong đó, 26 cấp ủy xã, thị trấn, 07 Chi bộ trực thuuộc và 05 cơ quan, đơn vị); đối với công tác giám sát Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập 03 tổ tiến hành giám sát 06 lượt tổ chức Đảng cấp dưới (trong đó, 03 cấp ủy xã và 03 cơ quan, đơn vị); xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập Tổ tiến hành kiểm tra đối với 03 đảng viên (trong đó, đối tượng thuộc diện cấp huyện quản lý 02, cơ sở quản lý 01), kết quả: đúng có vi phạm 03, phải xử lý kỷ luật 02 và đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 01; năm 2016, toàn huyện thi hành kỷ luật 20 đảng viên vi phạm, trong đó, có 01 đồng chí bị xử lý kỷ luật 02 lần, cấp ủy viên các cấp: huyện ủy viên 01 đồng chí, đảng ủy viên 02 đồng chí, chi ủy viên 01 đồng chí.

Tuy nhiên, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nhất là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; sai lầm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên chậm được phát hiện và khắc phục; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở một số tổ chức Đảng còn hạn chế; một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp cơ sở chưa làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng.

Trên cơ sở tình hình thực tế tại Đảng bộ Huyện Hàm Thuận Nam, tiếp tục phát huy những thuận lợi, ưu điểm, khắc phục những nhược điểm, hạn chế để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nói chung, công tác kiểm tra đảng viên kể cả cấp ủy viên cùng cấp có dấu hiệu vi phạm nói riêng. Trong thời gian đến Huyện ủy Hàm Thuận Nam thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tác dụng, tầm quan trọng củaviệc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để chỉ đạo, tiến hành kiểm tra hoặc chấp hành nghiêm chỉnh khi được kiểm tra; tạo nhận thức mới trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đội ngũ cán bộ đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm; xác định kiểm tra, giám sát nhằm nhắc nhở, ngăn ngừa, chấn chỉnh hạn chế thiếu sót từ lúc mới phát sinh, tránh xảy ra sự việc, tổ chức đảng, đảng viên có sự mặc cảm, né tránh, không cộng tác. Muốn vậy, người cán bộ kiểm tra của Đảng cần phải đổi mới phương pháp, cách làm, nhằm tạo một nhận thức mới trong công tác kiểm tra của Đảng.

Hai là,tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, mở rộng kênh thông tin để xác định, phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Ba là,coi trọng và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, xác minh

Chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra tùy thuộc rất lớn vào việc đánh giá, kết luận chính xác nội dung kiểm tra. Vì vậy, ngoài việc dựa vào tổ chức đảng và đảng viên, quần chúng nhân dân, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các ban ngành có liên quan thì việc thẩm tra, xác minh phải hết sức coi trọng.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới

Trước hết, người cán bộ kiểm tra phải hội đủ tiêu chuẩn chung của một cán bộ theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) đã xác định. Mặt khác, do đặc điểm nhiệm vụ, tính chất công việc nên yêu cầu cán bộ kiểm tra cần hội đủ các tiêu chí riêng: “Cán bộ đảng viên làm công tác kiểm tra Đảng phải có lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, biết hy sinh quyền lợi riêng cho sự nghiệp chung của Đảng, đồng thời phải có năng lực, có trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tương xứng với nhiệm vụ được giao”, “người cán bộ kiểm tra phải có đạo đức trong sáng, tư cách đứng đắn, giao tiếp có văn hóa, có lý, có tình, trung thực, khách quan, không định kiến”. Do đó, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phối hợp với Ban Tổ chức trong công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đủ năng lực chính trị và chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác.

Năm là, Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng và các ban, ngành chức năng; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và quần chúng nhân dân nơi có đảng viên được kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Dấu hiệu vi phạm của đảng viên hầu hết là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, có mối quan hệ rộng. Do vậy, các cấp ủy và tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp, thanh tra, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra, cán bộ kiểm tra trong quá trình tiến hành kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm dựa trên cơ sở quy chế phối hợp từ khâu tiếp cận, phát hiện dấu hiệu vi phạm đến việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thẩm tra, xác minh làm rõ đúng, sai, kết luận và xử lý vi phạm.

Sáu là,đẩy mạnhsơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tăng cường sinh hoạt chuyên đề

Để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng thực hiện được ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong giai đoạn mới, Ủy ban Kiểm tra các cấp phải hết sức coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, thường xuyên tổ chức giao ban, sinh hoạt chuyên đề về công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm, trao đổi kinh nghiệm giữa Ủy ban Kiểm tra các cấp, tìm ra những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong thực tiễn gắn với những quy định của Đảng, tìm ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này tốt hơn trong thời gian đến, rút ra những kinh nghiệm hay, những việc làm được, đồng thời đây cũng là dịp để đội ngũ làm công tác kiểm tra của đảng có điều kiện tự chỉnh đốn, tự kiểm điểm, tự phê bình một cách nghiêm túc, nâng cao chất lượng kiểm tra, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới.

Bảy là,quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc phục vụ cho các hoạt động kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, gắn với cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Có làm tốt công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm mới giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phát sinh, nổi cộm, dư luận phản ảnh, thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đề ra, góp phần tích cực trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng của đảng viên trong điều kiện của đảng cầm quyền hiện nay./.


Các tin khác