Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII: kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao; chênh lệch mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư còn khá lớn; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo còn khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (nghèo đa chiều) còn cao; kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của đầu giai đoạn 2016-2020 chiếm tỷ lệ 3% (trong đó, Hàm Cần chiếm tỷ lệ 26%; Mỹ Thạnh chiếm tỷ lệ 19,64%).
Để phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 2% (riêng 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh giảm hộ nghèo còn dưới 10%); đảm bảo 100% hộ nghèo (thuộc diện đối tượng đã có đất để làm nhà ở) có nhà ở và không còn ở nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ nghèo có lao động thì được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm hoặc bố trí đất sản xuất (nếu có); 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, được tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin; 100% hộ nghèo thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội, neo đơn, quá tuổi lao động không có khả năng thoát nghèo có mức thu nhập bằng hoặc trên chuẩn nghèo theo quy định. Tại Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra bốn nhiệm vụ và giải pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đó là:
Thứ nhất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách bố trí hàng năm của tỉnh, huyện để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; trước hết tập trung ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi, khai hoang đất sản xuất, đường giao thông, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt, xây dựng trường học, cơ sở y tế, chợ và các công trình phúc lợi xã hội khác; tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa,... để phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân.
Thứ hai, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội căn bản:
-Về vốn cho người nghèo: Ngân hàng chính sách-xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi về các dịch vụ tín dụng cho người nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo (có sức lao động) có nhu cầu được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 và Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường vận động, huy động các nguồn vốn từ cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ,… để giúp người nghèo vay phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững.
-Về đất sản xuất: Tập trung rà soát diện tích đất tách khỏi quy hoạch 3 loại rừng, đất công địa phương đang quản lý, lập phương án giải quyết đất sản xuất cho những hộ nghèo có nhu cầu lao động nhưng không có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung của từng xã (đối với xã đồng bào dân tộc thiểu số hoặc xã có thôn xen đồng bào dân tộc thiểu số) theo trình tự quy định của pháp luật; quan tâm việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
-Thực hiện tốt công tác tập huấn kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; vận động hộ nghèo tham gia tập huấn để nắm bắt kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn. Tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là phát triển kinh tế hộ gắn với sản xuất hàng hóa, mở rộng ngành nghề phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện từng vùng, từng địa phương để tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
-Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Thứ ba, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo: Bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của huyện cùng với nguồn “Quỹ vì người nghèo” của huyện do Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp vận động đóng góp và kêu gọi từ các nguồn khác nhằm giúp hộ nghèo (thuộc diện đối tượng đã có đất để làm nhà ở) có nhà ở và không còn ở nhà tạm, nhà dột nát.
Thứ tư, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện:
-Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; đồng thời, củng cố, kiện toàn, phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo công tác giảm nghèo ở cơ sở, nhất là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.
-Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức hơn nữa cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong thực hiện công tác giảm nghèo. Qua đó, vận động, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân tham gia đóng góp, giúp đỡ trực tiếp người nghèo và bản thân người nghèo tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
-Kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả phù hợp với từng địa phương.