Nhìn lại một năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại huyện Hàm Thuận Nam

Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, Quy chế dân chủ cơ sở đã được thực hiện tại các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân một cách đồng bộ và có hệ thống. Qua việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” được các ngành, các cấp đẩy mạnh và đã huy động sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn; bộ mặt nông thôn có sự đổi mới; tác phong làm việc và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên; hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Đặng Văn Thái – Phó Bí thư Huyện ủy kiêm trưởng Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở huyện phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2017

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã triển khai 37 công trình giao thông nông thôn, tổng chiều dài 16,621 km, tổng kinh phí đầu tư là 14,623 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 5,186 tỷ đồng.  Đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa được 16 tuyến đường với tổng chiều dài là 6,815km , tổng kinh phí thực hiện là 5.588 triệu đồng (trong đó: tỉnh hỗ trợ 2.661 triệu đồng, huyện hỗ trợ 878 triệu đồng và nhân dân đóng góp 2.049 triệu đồng). Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đạt có 55/58 tiêu chí, lũy kế đạt 165 tiêu chí; bình quân chung đạt 13,75/19 tiêu chí; 02/02 xã đạt Nông thôn mới năm 2017 (Hàm Kiệm, Thuận Quý) nâng tổng số toàn huyện có 6/12 xã nông thôn mới.

Các cuộc vận động như xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” tiếp tục triển khai thực hiện, y toàn huyện vận động được 905.550.000/605 triệu đồng, đạt 149,68% so với kế hoạch; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 374.618.252/300 triệu đồng, đạt 125%; số người tham gia BHYT là 80.622 người, đạt 106,1% kế hoạch và chiếm 78,05% dân số toàn huyện; cuộc vận động Quỹ tiếp bước cho em đến trường đã vận động được 1.676,562 triệu đồng/1.000 triệu đồng (đạt tỷ lệ 167,562%);

Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; trong năm đã tiếp nhận 250 vụ việc do các công dân, các cơ quan ban ngành chuyển đến; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 419,6%; trong đó, đơn thuộc thẩm quyền UBND huyện là 187 vụ (tồn năm 2016 chuyển sang 26 vụ), đã chỉ đạo xử lý, giải quyết 161 vụ, đạt tỷ lệ 86,1% (so với cùng kỳ năm 2016 tăng 0,9%); số đơn thư còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định.

Thông qua việc triển khai Quy chế dân chủ tại cơ sở; đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Các chính sách an sinh- xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân được quan tâm và thực hiện có hiệu quả; việc thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện cho các tổ chức và nhân dân được thực hiện kịp thời, mang kết quả cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở một số đơn vị chưa kịp thời; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, mua sắm tài sản công nhất là ở các trường học chưa đảm bảo; hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa hiệu quả; công tác nắm bắt tình hình trong nhân dân chưa sâu, sát, phản ánh thiếu kịp thời; những vấn đề bức xúc trong nhân dân có lúc, có việc còn chậm được xem xét, giải quyết thỏa đáng.

Năm 2018 được Đảng, Nhà nước chọn là năm Dân vận chính quyền; để việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở thực sự đi vào chiều sâu và hoạt động hiệu quả, các cấp, các ngành trong huyện cần thực hiện một số nội dung sau:

Cần tăng cường, quán triệt sâu kỹ Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế QCDC ở cơ sở; Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế thực hiện dân chủ cơ sở theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013 của Chính phủ “về Quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc” và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ “về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập” và các văn bản của Đảng, chính quyền cấp trên về thực hiện QCDC cơ sở.

Thực hiện quy chế dân chủ gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05- CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện; Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở các cấp tập trung triển khai tốt việc triển khai thực hiện QCDC, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng gần dân, sát dân; kịp thời nắm bắt và giải quyết thỏa đáng những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời rà soát, bổ sung quy chế hoạt động, quy ước thôn, khu phố, thành viên Ban chỉ đạo.

Thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định; trong đó chú ý nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải tại các thôn, khu phố, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền và kiến nghị, phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân ngay tại địa bàn dân cư, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp, không để xảy ra khiếu kiện đông người; thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân và người lao động, công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước, công tác bồi thường, giải tỏa, định cư….

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị- xã hội gắn với “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát cộng đồng.


Các tin khác