NHÌN LẠI KINH TẾ BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1992-2015; CHUYỂN DỊCH THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình tất yếu của các nền kinh tế trong quá trình phát triển. Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường tất yếu để Việt Nam nhanh thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.

Được biết đến là một địa phương có nhiều lợi thế để phát triển một nền kinh tế tổng hợp, đa dạng. Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh Bình Thuận năm 1992, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Bình Thuận đã tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh nhà đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm “phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tích cực huy động mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững theo cơ cấu công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp”.

Sau hơn 20 năm lãnh đạo thực hiện, đến nay cơ cấu kinh tế Bình Thuận đã chuyển dịch theo hướng tích cực với cơ cấu công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng dần trong cơ cấu kinh tế Bình Thuận. Cụ thể năm 1992 các giá trị này lần lượt là 64,6% - 11,4% - 24% đến năm 2015 các giá trị có sự thay đổi là 29,27% - 25,34% - 41,03%; trong đó có 4,35% là thuế sản phẩm.

Cơ cấu ngành kinh tế có sự phát triển đa dạng nhiều ngành nghề công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò chủ đạo, đóng góp lớn vào giá trị kinh tế của tỉnh. Cùng với đó là sự vươn lên về tỷ trọng của nhóm ngành sản xuất và phân phối điện nước, khí nóng.

Trong nông nghiệp, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng giảm giá trị trồng trọt, tăng giá trị ngành chăn nuôi, đặc biệt là tập trung phát triển ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Trong lâm nghiệp tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển trồng rừng, giảm tỷ trọng khai thác tự nhiên, chú ý công tác giao rừng cho người dân, phát triển rừng vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội hóa.

Trong dịch vụ tập trung phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao. Doanh thu của ngành du lịch cũng tăng liên tục theo từng năm: năm 2000 là 102 tỷ đồng, năm 2005 là 436 tỷ đồng, lên 1422 tỷ đồng, năm 2015 là 2142 tỷ đồng; trong thời gian 15 năm, doanh thu của ngành tăng hơn 20 lần.

Như vậy ngành du lịch trong thời gian vừa qua tăng trưởng khá, an ninh trật tự, vấn đề chất lượng du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, giá cả,… được bảo đảm, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước.

Tóm lại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, những năm qua, nền kinh tế địa phương đã có bước phát triển rất tích cực, nền kinh tế đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, đời sống nhân dân được nâng lên. Có được kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu và nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận.

Trong thời gian tới, với những định hướng về kinh tế đúng đắn, chắc chắn nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục gặt hái được những thắng lợi to lớn hơn. Góp phần vào quá tình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế đất nước.


Các tin khác