Đảng bộ Hàm Thuận Nam Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

  • /
  • 21.2.2014 - 16:10

Đảng bộ Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận hiện có 32 tổ chức cơ sở Đảng, với 1.608 đảng viên. Là huyện nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng hàng năm 17.390ha; trong đó, chủ yếu là sản xuất cây thanh long được xác định là loại cây phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện, với diện tích 11.027ha, lớn nhất so với các địa phương trong tỉnh.

Năm 2013, sản lượng lương thực đạt 39.500 tấn; thu ngân sách nhà nước 129 tỷ đồng, đạt 117,27% kế hoạch; đời sống của nhân dân tăng cao; góp phần đáng kể trong thực hiện phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, giao thông nông thôn được bê tông hóa, ánh sáng nông thôn được phát triển rộng khắp,... Có được kết quả trên là do công tác tổ chức triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ đối với tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên luôn kịp thời và hiệu quả. Các chủ trương, chính sách của Đảng được các cấp ủy Đảng cụ thể hóa và đi vào cuộc sống. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện NQTW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề và quyết tâm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, trong công tác xây dựng Đảng.

Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, thẳng thắn, các tổ chức Đảng trong Đảng bộ huyện đã bám sát 3 vấn đề cấp bách nêu trong NQTW4 và gợi ý kiểm điểm sâu của cấp ủy cấp trên; tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các cá nhân và tập thể; các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận… đã được tập thể các cấp ủy thảo luận kỹ, không né tránh, đùn đẩy, từ đó giúp cấp ủy và đảng viên thấy được ưu điểm để phát huy, nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế; xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.

Có thể nói, sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTW4, đến nay chất lượng hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt; kết quả đánh giá phân loại tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm được đảm bảo đúng thực chất. Để việc thực hiện NQTW4 trở thành việc làm thường xuyên, đi vào chiều sâu, có ý nghĩa thiết thực, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập các Tổ, do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm Tổ trưởng trực tiếp kiểm tra ở 30 tổ chức cơ sở Đảng và 29 cá nhân người đứng đầu cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện NQTW4, mà trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTW4, gắn với kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 45-KH/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với thực hiện Chỉ thị 27, Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị để rà soát lại các tồn đọng, nổi cộm nhằm tìm ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhất là trên lĩnh vực đất đai, dự án treo không còn phù hợp, không khả thi; có biện pháp xử lý đất công bị lấn chiếm đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng cho mục đích công cộng như: việc lấn chiếm đất nghĩa địa Gò Đào ở xã Tân Thuận, việc xây dựng kiốt lấn mặt bằng chợ của bà Trần Thị Hiền ở xã Hàm Mỹ,… tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai… nổi cộm là việc tranh chấp, lấn chiếm đất dự án ở xã Mương Mán, đất lâm nghiệp ở xã Hàm Cần, Tân Lập.

Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện NQTW4 (khóa XI) của Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam, nhất là việc thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã có nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; các đồng chí Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan xác định được những tồn tại của tập thể tức là của cá nhân người đứng đầu, từ đó có sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục khuyết điểm, yếu kém. Đối với những việc cần làm ngay được xác định và có Kế hoạch triển khai thực hiện, nêu rõ công việc, phân công cán bộ phụ trách thực hiện và quy định thời gian hoàn thành. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa và triển khai, quán triệt đầy đủ, kịp thời; tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Kết quả đạt được sau kiểm điểm nổi rõ đó là: Tập thể cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cấp ủy luôn thể hiện được vai trò lãnh đạo trên tất cả các mặt; từ đó làm cho các thành viên khác trong cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới xác định rõ hơn trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và giải quyết công việc đồng bộ, hiệu quả hơn; các ủy viên cấp ủy chú trọng bám sát địa bàn được phân công phụ trách hơn. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, tôn giáo được chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét ở địa phương. Khắc phục được một số yếu kém, khuyết điểm kịp thời. Chất lượng quy hoạch cán bộ được nâng lên; việc sắp xếp, bố trí cán bộ được tiến hành và kiên quyết hơn; công tác tuyển dụng cán bộ được công khai, minh bạch. Từ khi triển khai, thực hiện Chỉ thị 27, Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác, thì ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tinh thần vượt khó trong công tác của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt; một số cán bộ, đảng viên có sai phạm sau kiểm điểm đã quyết tâm khắc phục, sửa chữa. Công tác cải cách thủ tục hành chính được tiếp tục đẩy mạnh, giảm rõ sự phiền hà, chờ đợi của công dân, số lượng đơn thư, hồ sơ tồn đọng ít hơn trước; thái độ trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, thể hiện được văn hóa ứng xử trong giao tiếp đối với nhân dân. Đơn thư, vụ việc tiêu cực, tồn đọng, kéo dài được tập trung giải quyết có hiệu quả; các vụ việc đột xuất, mới phát sinh đều được giải quyết kịp thời.

Với những việc làm như trên được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghêng, đồng tình ủng hộ; từ đó đã phát huy hiệu quả của việc đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống nhân dân một cách thiết thực, tạo thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong huyện./.

                                                                                                Công Lý


  • |
  • 1292
  • |

Các tin khác