Rừng Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú được thành lập năm 1996. Theo Quyết định 791/TTg ngày 26/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng diện tích ban đầu: 17.823 ha, hiện nay còn 10.550 ha, trong đó rừng đặc dụng 8.407 ha, rừng sản xuất 2.143 ha. Nằm trên ranh giới hành chính của 05 xã Hàm Cường, Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành và thị trấn Thuận Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên khu vực vùng núi Tà Cú rất đa dạng về hệ sinh thái.
Về thực vật
Theo kết quả ghi nhận sơ bộ hệ thực vật của Khu BTTN Tà Cú khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao, trong đó có khoảng 1.000 loài thuộc 130 họ thực vật. Có ít nhất có 33 loài thực vật được ghi tên trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2009) và Sách đỏ Việt Nam (2007) đã được ghi nhận ở Khu BTTN Tà Cú. Đã xác định được ít nhất 79 loài thuộc 43 họ thực vật được người dân sử dụng làm thực phẩm, và 300 loài cây có thể làm dược liệu, trong đó hơn 160 loài thường được khai thác làm cây thuốc.
Hệ động vật
Ghi nhận bước đầu có 465 loài động vật, trong đó có 62 loài thú, 163 loài chim, 55 loài bò sát và 25 loài ếch nhái. Các nghiên cứu bước đầu cũng ghi nhận gần 160 loài côn trùng. Trong số loài động vật có ít nhất 32 loài động vật quí hiếm và nguy cấp được ghi nhận chắc chắn là đang tồn tại trong khu bảo tồn nhưng tình trạng của chúng cần được nghiên cứu thêm. Trong vùng đệm Khu BTTN Tà Cú, nhóm thực vật dùng làm thức ăn và làm thuốc là quan trọng nhất, có vai trò không thể thiếu trong cộng đồng.
Núi Tà Cú trên đỉnh núi có độ cao là 696m so với mặt nước biển, khí hậu trên núi quanh năm mát mẻ trung bình dao động khoảng 20 độ, được ví như Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ, bên cạnh đó trên núi còn có Chùa Linh Sơn Trường Thọ và Chùa Long Đoàn, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa quốc gia năm 1993.
Hàng năm có khoảng 300 đến 400 ngàn lượt du khách đến đây tham quan thắng cảnh, lễ phật và du lịch thám hiểm, khám phá hệ sinh thái đa dạng của hệ động thực vật tại khu BTTN Tà Cú.
Khu BTTN Tà Cú có vai trò rất quan trọng về văn hóa lịch sử cũng như kinh tế xã hội quốc phòng, an ninh. Chuyến công tác của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND kiểm tra rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Tà Cú nhằm để phục vụ cho công tác định hướng quản lý và chỉ đạo công tác bảo vệ và quản lý rừng ngày càng tốt hơn.
Do vậy, thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng (Hạt kiểm lâm, Ban bảo tồn) đẩy mạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép, đánh bắt động vật hoang dã và phòng chống cháy rừng.