Hàm Thuận Nam Với công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng của những năm đầu Đại hội Đảng bộ (nhiệm kỳ 2010 - 2015)

Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2010- 2015), Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng cấp dưới tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các ban tham mưu của Huyện ủy xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch giúp cấp ủy tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phổ biến các quy định, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, UBKT Tỉnh ủy; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm của cấp ủy và các Quy chế phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong Đảng; tổ chức sơ kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát; nhất là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hàng năm, ngay tháng đầu năm Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp ủy cơ sở đã xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; phân công các ban Đảng của cấp ủy chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu thực hiện và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy làm Tổ trưởng các đợt kiểm tra, giám sát để tổ chức thực hiện hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra; ngoài ra cấp ủy còn chỉ đạo UBKT cùng cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo Điều 32, điều lệ Đảng; kịp thời xem xét giải quyết tố cáo, khiếu nại, xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo đúng quy định, thẩm quyền; quan tâm xây dựng và hoàn thiện bộ máy cán bộ UBKT các cấp; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra để bảo đảm hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị,...

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ đã tiến hành kiểm tra 32 đảng viên và 102 lượt tổ chức đảng; qua kiểm tra, đã xử lý kịp thời những sai phạm, với tổ chức, cá nhân vi phạm được tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm và thi hành kỷ luật một số đảng viên.

Công tác giám sát cũng được cấp ủy quan tâm và tiến hành theo chuyên đề đối với 24 tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên người đứng đầu cấp ủy, công tác giám sát tập trung chủ yếu vào nội dung thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy cấp trên và cấp mình, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và chức trách nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, mối quan hệ với tổ chức đảng nơi cư trú; việc chấp hành quy chế làm việc của cấp ủy,... Qua đó đã phát hiện những khuyết điểm, hạn chế và kịp thời chấn chỉnh, giúp cho đảng viên, tổ chức đảng phát huy những ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và có tác dụng hiệu quả của việc ngăn ngừa vi phạm. Kết quả phát hiện 01 tổ chức đảng,12 đảng viên có dấu hiệu vi phạm và chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm theo quy trình; qua đó đã xử lý kỷ luật 04 đảng viên vi phạm, số còn lại đã kịp thời nhắc nhỡ, kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Bên cạnh giám sát chuyên đề, công tác giám sát thường xuyên, định kỳ cũng được tăng cường, thông qua sự phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách địa bàn để chỉ đạo, xem xét các báo cáo định kỳ của tổ chức đảng cấp dưới theo quy định, nhất là việc tổ chức triển khai và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương theo kết luận hàng năm của Huyện ủy; việc xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới...

Nhìn chung, những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy quan tâm; UBKT các cấp trong huyện phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm, giúp cấp ủy tiến hành kiểm tra, giám sát theo Điều 30, điều lệ Đảng; tham mưu lãnh đạo việc triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng và chỉ đạo kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo kế hoạch đề ra; ban hành Quy định về cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của UBKT Huyện ủy, hướng dẫn chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng; ban hành các Quy định về giám sát, giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; Quy định trách nhiệm của Văn phòng Huyện ủy và các ban Huyện ủy tham gia giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng thuộc thẩm quyền của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy; các Quy trình về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; giải quyết tố cáo; xem xét, thi hành kỷ luật đảng; công tác kiểm tra và công tác giám sát chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy,... tổ chức tổng kết công tác kiểm tra, giám sát hàng năm, sơ kết nữa đầu nhiệm kỳ 2010- 2015, qua đó đã nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và UBKT các cấp trong huyện, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục đó là: Một số cấp ủy cơ sở tuy có lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, nhưng chỉ đạo thực hiện chưa sâu sát, dẫn đến có những cuộc kiểm tra kéo dài so với thời gian quy định, nội dung kiểm tra dàn trải. Sau kiểm tra, giám sát của các Tổ công tác có phát hiện vi phạm, nhưng xử lý thiếu kịp thời; công tác giám sát thực hiện kết luận của cấp ủy sau kiểm tra chưa tốt nên việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm chậm. Công tác giám sát chuyên đề thiếu đi vào chiều sâu, phần lớn chỉ tập trung giám sát việc thực hiện các thông báo kết luận kiểm tra, chưa chủ động nắm tình hình giám sát các lĩnh vực nhạy cảm mà dư luận xã hội quan tâm. Một số UBKT cấp cơ sở chưa thật sự chủ động tham mưu cho cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, còn trông chờ cấp trên, nể nang trong thực hiện nhiệm vụ, đề xuất nội dung kiểm tra, giám sát chưa thật sự sát với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương cơ sở.

Những hạn chế trên, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan đó là: Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi thiếu về số lượng, yếu về trình độ nghiệp vụ; cán bộ làm công tác kiểm tra cấp cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, công việc nhiều dẫn tới thiếu sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát; bên cạnh đó, cán bộ không ổn định, có cơ sở từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thay đổi chức danh Chủ nhiệm ba lần, nên chưa nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Từ những kết quả đạt được và nguyên nhân tồn tại, hạn chế của công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn huyện, chúng tôi xin rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, nơi nào cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và xác định rõ trách nhiệm để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt tốt các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát thì chất lượng công tác kiểm tra, giám sát ở nơi đó đạt hiệu quả.

Thứ hai, để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đòi hỏi UBKT phải chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy cùng cấp xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những vấn đề, lĩnh vực nhạy cảm và tổ chức thực hiện trên cơ sở bám sát những văn bản hướng dẫn của cấp trên; đồng thời phân công nhiệm vụ cho cán bộ hợp lý và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để kịp thời chấn chỉnh; quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết chuyên đề để rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình.

Thứ ba, để kịp thời ngăn chặn vi phạm, hạn chế xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng thì UBKT cần dựa vào quy chế hoạt động và chủ động phối hợp với các ban Đảng, các ngành có liên quan (nhất là ngành nội chính theo quy chế phối hợp); đồng thời tăng cường hơn nữa công tác giám sát thường xuyên, bằng hình thức vỗ vai nhắc nhỡ khi nghe dư luận đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Thứ tư, quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ kiểm tra, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo về chính trị và chuyên môn.


Các tin khác