Qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển; hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã được hỗ trợ tư liệu sản xuất thiết yếu như: đất sản xuất, cho vay vốn chăn nuôi, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến khá rõ rệt, một số cây trồng như lúa nước, bắp, thanh long phát triển ổn định; đồng bào dân tộc từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các nguồn vốn, các chương trình, dự án được đầu tư mang lại hiệu quả; qua đó đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
Các hoạt động văn hóa, xã hội được các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nhiều việc làm có ý nghĩa, thiết thực; qua đó góp phần làm cho đồng bào cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; công tác chăm sóc sức khỏe được chú ý, các chương trình y tế quốc gia được triển khai sâu rộng; các trạm y tế được đầu tư đúng mức; đặc biệt là Trạm y tế Hàm Cần, Tân Thuận được nâng cấp thành phòng khám đa khoa khu vực, được bố trí đội ngũ y bác sĩ đảm bảo cho việc khám chữa bệnh và sơ cấp cứu cho đồng bào tốt hơn; giáo dục đào tạo được quan tâm, được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên được đào tạo và đạt chuẩn so với quy định; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp được giữ vững và phát huy. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; đội ngũ cán bộ, công chức là đồng bào được đào tạo và ngày càng chuẩn hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; niềm tin của đồng bào đối với Đảng, chính quyền tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh những mặt đạt được; vẫn còn một số khó khăn nhất đinh: Kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; nên thường bị rũi ro, dẫn đến năng xuất và sản lượng không cao, nguy cơ tái nghèo có thể diễn ra. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi được chú trọng nhưng còn chậm; công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế chưa được triển khai sâu rộng; vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn chưa cao. Việc tự ý bán, sang nhượng trái phép đất 04; phá rừng, lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy vẫn còn xảy ra. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở chưa được phát huy đúng mức; một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa thật sự nhiệt huyết, thiếu năng nổ, nhiệt tình.
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian cho ý kiến dự thảo báo cáo; thảo luận những chỉ tiêu trong Chương trình hành động của Huyện ủy đề ra; chú ý phân tích và làm rõ những nội dung đã đạt được và chưa đạt được, rút ra ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác dân tộc./.