Giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động trên lĩnh vực công tác dân vận

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Tư tưởng của Người về công tác dân vận, công tác vận động quần chúng là một trong những quan điểm, phương thức được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm mà Người đã để lại cho thế hệ mai sau:

“Nước lấy dân làm gốc...

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Trước lúc đi xa, Người không quên căn dặn: “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” nhưng dân cần có Đảng dẫn đường.

Thật vậy, “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” điều đó đã thể hiện rất rõ trong kháng chiến kiến quốc cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay. Tuy trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận năm 2018 của Đảng bộ Huyện Hàm Thuận Nam đã khẳng định công tác dân vận chính quyền được quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên lĩnh vực công tác dân vận có mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra như công tác nắm tình hình, thông tin, báo cáo, đề xuất giải quyết một số vấn đề, vụ việc có lúc chưa kịp thời; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có nơi chưa sâu sát; vai trò của cốt cán chính trị ở cơ sở chưa được phát huy đúng mức.

Để tiếp tục dổi mới phương thức hoạt động trên lĩnh vực công tác dân vận cần phải thực hiện tốt:

 Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt quy chế dân chủ, cải cách thủ tục hành chính; công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, khiếu nại, tố cáo của công dân phải được đẩy mạnh.

Cán bộ, công chức, viên chức phải có có ý thức phấn đấu rèn luyện đạo đức lối sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trong công tác tiếp công dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc của công dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò giám sát, phản biện của tổ chức mình; quan tâm chăm lo cải thiện đời sống cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc dân là chủ; phương thức cơ bản của công tác dân vận là phương pháp dân chủ chứ không phải là những thủ thuật chính trị nên phương châm của công tác dân vận là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; ngoài ra cán bộ làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để làm lực lượng quan trọng hàng đầu trong công tác dân vận; đồng thời, lực lượng đó phải thật sự gương mẫu, gần dân, sát dân, sát cơ sở. Hay nói một cách khác để công tác dân vận mang lại hiệu quả; người làm công tác dân vận không chỉ có những thao tác cụ thể, những công thức sẵn có mà bản thân còn phải có nghệ thuật tiếp cận và vận động; biết gắn kết giữa lý luận và thực tiễn để phát động phong trào và nhân rộng các điển hình, tiên tiến./.


Các tin khác