Đồng chí Đặng Văn Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chủ trì Hội nghị, tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, đại diện lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể huyện; Bí thư các chi, đảng bộ cơ sở.
Tại Hội nghị có 10 lượt phát biểu thảo luận tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những cách làm hay, chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong việc triển khai thực hiện nghị quyết.
Qua 5 năm qua triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong huyện tổ chức triển khai thực hiện công tác xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đạt được một số kết quả nỗi rõ: Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị và đại bộ phận cán bộ, đảng, viên, quần chúng nhân dân trong huyện ngày càng nhân thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, tác dụng của xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các phong trào xây dựng và phát triển văn hóa con người đã được tổ chức đều khắp với những nội dung phong phú và thiết thực đã được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động 29-NQ/TU còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, đó là: Công tác lãnh đạo và chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận các hội đoàn thể trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên và kịp thời, chưa quan tâm đúng mức công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo, nhưng về năng lực công tác còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; các hoạt động văn hóa ở cơ sở còn ít, chưa có những sáng kiến, những đóng góp phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học đạt chuẩn văn hóa tuy đạt được một số kết quả, song vẫn còn một số địa phương, đơn vị có lúc, có nơi thiếu tính bền vững. Các thiết chế văn hóa, thể thao của một số địa phương đến nay đã xuống cấp, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa vẫn còn thiếu, chắp vá, không đồng bộ, kinh phí cho hoạt động còn hạn chế. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhiều, chất lượng chưa cao.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị đồng chí Đặng Văn Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thời gian qua; đồng thời để tiếp tục đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thực sự đi vào đời sống, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức quần chúng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế của huyện; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người; sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đúng thực chất; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa của huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, với tính cách, phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng dân cư, trong hệ thống chính trị các cấp, trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; trong từng thôn, khu phố và mỗi gia đình trên địa bàn huyện. Tăng cường hiệu quả hoạt động, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện đến cơ sở./.