Một số kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Hàm Thuận Nam.

  • /
  • 12.4.2012 - 16:37

Hàm Thuận Nam là huyện miền núi phía Nam của tỉnh Bình Thuận, có 12 xã, 01 thị trấn; dân số trên một trăm ngàn khẩu, trong đó có trên 36% là tín đồ các tôn giáo, 11% người dân tộc thiểu số. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; điều kiện khai thác các tiềm năng lợi thế chưa được phát huy mạnh mẽ.

Để tạo điều kiện và động lực thúc đẩy mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của huyện đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”; đồng thời Ban Dân vận đã thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, cụ thể hoá chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ bằng Chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để chỉ đạo tổ chức phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện; xây dựng và ban hành Hướng dẫn về tiêu chí cơ bản đánh giá điển hình “Dân vận khéo” cho các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện và cấp uỷ các xã, thị trấn để tổ chức triển khai, thực hiện sâu rộng, đồng bộ, tập trung vào những nội dung chủ yếu cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của phong trào thi đua, xây dựng mô hình; từ đó đề ra nội dung thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, địa phương, cơ sở mình. Qua hơn ba năm triển khai, thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội như: thi đua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác; mạnh dạn đầu tư tăng vụ, chuyển đổi đa canh trên những vùng đất kém hiệu quả; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao… với cách vận động khéo, hợp lòng dân nên nhiều mô hình trang trại hình thành, các ngành nghề truyền thống được khôi phục; dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp được đầu tư mở rộng; kêu gọi thu hút hiệu quả nguồn nhân lực, các nhà đầu tư vào địa phương; do vậy lực lượng lao động ở địa phương hầu hết đều có công ăn, việc làm, đời sống từng bước ổn định. Các phong trào thi đua nổi bật là đưa các loại cây giống mới như: dưa lấy hạt, bắp lai cao sản, thanh long ruột đỏ, …; các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao… vào sản xuất, chăn nuôi, tạo ra năng suất và chất lượng tốt; phong trào nghiên cứu, học tập để áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; chong đèn kích thích thanh long trái vụ… ở hầu hết các khu dân cư trong huyện, nhưng nổi bật nhất là ở thôn Tà Mon (Tân Lập), Minh Hoà (Hàm Minh), Hiệp Tân (Tân Thuận), Phú Hưng (Hàm Mỹ), Nam Trung (Thuận Nam)… Từ những mô hình của các phong trào trên đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia; đến nay toàn huyện có trên 4.330 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp. Đồng thời xuất hiện mới nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình; phát triển kinh tế trang trại có giá trị kinh tế cao như: nuôi dê, nuôi bò, nuôi heo hướng nạc, nuôi gà đẻ,… đặc biệt, là mô hình trang trại của gia đình ông Lâm Hồng Điệp- thôn Tà Mon, xã Tân Lập chuyên nuôi gà siêu nạc có số lượng lớn; mô hình trang trại trồng và sản xuất thanh long của ông Trần Văn Tánh- xã Hàm Thạnh, ông Bùi Ngọc Lê- thị trấn Thuận Nam,… có doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng; tuy các mô hình phát triển kinh tế- xã hội khác nhau, nhưng tất cả cá nhân điển hình đều là những hạt nhân tiên tiến.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện dân chủ, hiệu quả, thấu lý đạt tình, biến mâu thuẫn lớn thành nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không, điển hình là ở các xã Hàm Minh, Hàm Mỹ, Thuận Quý,… Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, hàng năm có số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, chiếm trên 95% so với số hộ đăng ký. Chú trọng xây dựng tổ tự quản về an toàn giao thông, góp phần hạn chế nhiều phức tạp trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, đã góp phần to lớn trong việc ổn định đời sống của nhân dân, từ đó phát huy dân chủ, tiềm năng, trí tuệ của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở địa phương. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khoá X) đã được triển khai sâu rộng trong nhân dân; các cấp, các ngành làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng để phát động, tổ chức phong trào thi đua học tập, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học giúp cho hàng ngàn học sinh, sinh viên vượt khó trong học tập; qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Công tác từ thiện- xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện hiệu quả; hàng năm thực hiện cuộc vận động lập quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo đều đạt và vượt chỉ tiêu giao.

Ngoài ra, còn nhiều mô hình “Dân vận khéo” của những tập thể, cá nhân trong việc huy động vốn giúp nhau xoá đói giảm nghèo; mua sắm vật chất trong gia đình; hỗ trợ nông dân về vốn, giống… đã đem lại kết quả sinh động trong đời sống cộng đồng.

Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Hàm Thuận Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu với cách làm hay, việc làm sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền; phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Những kết quả đạt được trên đây, cũng chỉ là bước đầu của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở địa phương. Trong thời gian tới để tiếp tục triển khai, thực hiện phong trào đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phát động rộng rãi phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu, nội dung của phong trào; gắn với triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào khuyến học, khuyến tài; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Hai là, đối với các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn cần tập trung rà soát bổ sung nôi dung thi đua, xây dựng Chương trình, Kế hoạch cụ thể hoá chủ trương của huyện, của tỉnh để triển khai, thực hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cốt cán chính trị gắn với đẩy mạnh việc“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bốn là, tăng cường công tác xây dựng mô hình, điển hình và kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những nhân tố tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua; đồng thời chú ý đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình.

Năm là, các cấp, các ngành phải bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận nhiệt tình, tâm huyết, có phong cách làm việc theo tư tưởng của Bác Hồ “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, có ý thức trách nhiệm công việc, hiểu được phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo. Phải thật sự chia sẽ với dân, gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, để đạt được phương châm: “Việc lớn làm cho nhỏ, việc nhỏ làm cho không có”.

Sáu là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; thủ trưởng các ban, ngành phải hiểu và nắm vững các quan điểm về công tác dân vận của Đảng và phải làm cho công tác dân vận thật sự là “Dân vận khéo” để “việc gì cũng thành công”; quan tâm phương pháp triển khai, đối tượng thực hiện, phải đồng bộ từ huyện xuống từng thôn, xóm và vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc. Đẩy mạnh củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, phát triển nâng cao chất lượng của các tổ chức đoàn thể chính trị, xây dựng cốt cán chính trị trong cộng đồng dân cư.

Với những kết quả bước đầu, tôi tin tưởng rằng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam- tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới sẽ có nhiều điểm sáng xuất hiện.

                                                                                                                                                             Trần Công Lý


  • |
  • 934
  • |

Các tin khác