Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét với công tác dân vận trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng

Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét, huyện Hàm Thuận Nam được giao nhiệm vụ quản lý 20.388,76 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ 10.231,34 ha, rừng sản xuất 10.157,42 ha, nằm trên 4 xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh và Tân Lập; với địa bàn phức tạp, tiếp giáp với các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua đơn vị đã chú trọng làm tốt công tác dân vận trong quản lý và bảo vệ rừng.

Các hộ nhận khoán rừng thực hiện việc phòng, chống cháy rừng

Để chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng phù hợp với tình hình ở đơn vị và các địa phương; cấp ủy, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức trong đơn vị; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho người dân hiểu và chấp hành các quy định của nhà nước trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, đơn vị luôn tổ chức gặp gỡ, đối thoại, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan hữu quan và tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên trong thực thi nhiệm vụ của mình.

Nhằm phát huy hơn nữa trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; mỗi bộ phận, mỗi trạm, tổ của đơn vị thường xuyên trực tiếp giữ mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền các xã và Hạt kiểm lâm huyện trong nhiệm vụ bảo vệ rừng; hiện tại, đơn vị có 5 trạm bảo vệ rừng, 01 tổ cơ động, 03 phòng nghiệp vụ chuyên môn đều được bố trí sắp xếp đảng viên làm nòng cốt trong việc gặp gỡ, tiếp xúc với già làng, trưởng bản, chính quyền địa phương để tạo mối quan hệ chặt chẽ và làm tốt công tác dân vận đối với nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Việc xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, lên kế hoạch chống phá rừng được các trạm chủ động thực hiện; công tác tuần tra rừng được tăng cường, sự phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các trạm được đồng bộ; giữa cơ quan với địa phương được thống nhất. Đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, chống phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của huyện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; kết hợp với chính quyền xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh, Tân Lập và các đơn vị giáp ranh bàn bạc biện pháp chống phá rừng, phòng và chống cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; thực hiện vận động đồng bào xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần cam kết tham gia bảo vệ rừng, không tiếp tay cho kẻ phá rừng, buôn bán, tàng trữ lâm sản, động vật hoang dã. Ngoài ra, cùng với các xã tổ chức nhiều đợt truy quét trên địa bàn rừng do đơn vị quản lý.

Công tác giao khoán bảo vệ rừng đối với các hộ đồng bào dân tộc Hàm Cần, Mỹ Thạnh theo Nghị quyết 04 của Thường vụ Tỉnh ủy được đơn vị hết sức quan tâm thực hiện. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương hai xã Hàm Cần và Mỹ Thạnh vận động các hộ nhận khoán bảo vệ rừng; đồng thời tăng cường việc đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra các hộ thực hiện hợp đồng, tổ chức họp dân nắm bắt và phản ảnh tình hình thực hiện hợp đồng của các hộ nhận khoán để cùng các xã đề ra biện pháp hỗ trợ các hộ thực hiện tốt hợp đồng. Hiện tại, đơn vị đang thực hiện giao khoán cho đồng bào dân tộc thuộc 02 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh với tổng diện tích 6.005,47 ha; công tác giao khoán bảo vệ rừng đã giải quyết việc làm cho 197 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào có thu nhập thông qua hoạt động giữ rừng; các hộ nhận khoán bảo vệ rừng là cơ sở để đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho hộ nhận khoán tăng thêm ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng bảo vệ rừng và hộ nhận khoán, giữa hộ nhận khoán với tổ, đội bảo vệ rừng. Khi rừng bị tác động thì kịp thời phát hiện và xử lý, góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng trong khu vực giao nhận khoán, quản lý.

Có thể nói để thực hiện tốt công tác trên, tập thể lãnh đạo, đảng viên và viên chức đơn vị luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, mỗi đồng chí trong đơn vị luôn xác định rõ công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; qua đó góp phần thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2019./.


Các tin khác