Trên cơ sở Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện và Nghị quyết của Đảng ủy xã hàng năm về chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, đã mở ra cho Hội nông dân tầm nhìn về cách tập hợp hội viên nông dân, bước đầu Hội xây dựng các tổ, nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn vietGAP, xác định điều kiện thổ nhưỡng của Hàm Mỹ chỉ có thanh long là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho mỗi gia đình. Song những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên cây trồng, nhất là bệnh đốm nâu trên cây thanh long đã trở thành đại dịch, chưa có thuốc đặc trị, nhưng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự tích cực tuyên truyền của các cấp hội về cách phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long, kết hợp với tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên phần nào đã giúp bà con an tâm trong sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Hơn 10 năm trước, nếu ai đã từng đặt chân đến vùng đất Hàm Mỹ, các tuyến đường giao nông trong thôn xóm vào mùa mưa sình lầy, rất khó khăn cho việc phụ huynh đưa đón con em đến trường, nhất là các cháu Mẫu giáo và Tiểu học, mùa nắng thì khi những chiếc xe ô tô đi qua gió bụi bay ngút ngàn, cảm giác như những công trường đang khai thác đá. Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, Hàm Mỹ được đưa vào xây dựng xã nông thôn mới, mặc dù không nằm trong kế hoạch của tỉnh, sẽ ảnh hưởng rất nhiều về việc phân bổ kinh phí, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hàm Mỹ xác định xây dựng nông thôn mới là xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên, người dân sẽ được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi như: điện, đường, trường, trạm sẽ được đầu tư xây dựng theo chuẩn xã nông thôn mới, mà trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của bà con nông dân.
Bên cạnh đó, những mô hình về sản xuất nông nghiệp như đưa giống lúa mới vào sản xuất đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật đạt năng xuất cao, đảm bảo an ninh lương thực ở địa phương, bà con nông dân cũng đã từng bước cơ giới hóa trong khâu làm đất, biết tận dụng thời vụ để thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Từ những lợi thế trên, việc phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững được bà con nông dân hưởng ứng rầm rộ, nhà nhà đã thi đua lao động sản xuất, có hộ từ nghèo khó nay đã vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, hiện nay trên 80% hội viên nông dân đã có nhà ở khang trang, đời sống được ổn định, hộ nghèo giảm dần, hộ khá giàu tăng lên. Nếu như năm 2013 có 680 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thì đến nay có trên 1.258 hộ. Trong số các hội viên này có nhiều hộ nông dân tiêu biểu như hộ Ông Phạm Văn Ân ở thôn Phú Sơn đã đóng góp xây dựng nhà ở cho hội viên nghèo gặp khó khăn, số tiền 10 triệu đồng, ngoài ra hàng năm cứ đến mùa khai giảng ông còn tham gia ủng hộ 2 suất học bỗng giúp các cháu học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, mỗi cháu 1.000.000đ và hỗ trợ 10.000.000đ để làm giao thông nông thôn và còn rất nhiều hộ nữ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu nữa như: chị Nguyễn Thị Phước ở thôn Văn Lâm, một mình chị sở hữu trên 8.000 trụ thanh long, với 3 bình điện hạ thế để chong đèn thanh long, hàng năm lợi nhuận trên 500 triệu đồng, chị Ngô Thị Xuân Bông ở thôn Phú Hưng một mình chăm sóc trên 2.000 trụ thanh long, các chị vẫn thể hiện được vai trò người phụ nữ tích cực trong lao động sản xuất.
Từ kết quả phong trào thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên nhàn rỗi, có việc làm ổn định từng bước nâng dần cuộc sống, có được kết quả như hôm nay là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo cho các ban ngành phối hợp với các đoàn thể tạo điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật; bên cạnh đó Hội Nông dân cũng đã quy tụ được hội viên làm kinh tế giỏi, biết đoàn kết giúp nhau về cây, con, giống, công lao động giúp cho hội viên còn khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống có tích lũy và làm giàu bền vững.