Qua 04 năm triển khai thực hiện, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện tiến hành 13 cuộc giám sát, nội dung giám sát tập trung chủ yếu: việc giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc giải quyết các chế độ chính sách cho các đối tượng có công, cho người lao động; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan đơn vị.
Hàng năm, cấp ủy các xã (thị trấn) đều ban hành văn bản định hướng và thống nhất nội dung giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị; trên cơ sở đó, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội địa phương xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, công chức và người lao động... Cụ thể xã Tân Thuận tiến hành 15 cuộc, xã Tân Thành 05 cuộc, xã Hàm Minh 11 cuộc, thị trấn Thuận Nam 26 cuộc.
Công tác phản biện xã hội được Mặt trận các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp chú ý, nhất là việc tham gia góp ý dự thảo các văn bản, văn kiện trình Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết HĐND các cấp …; công tác tiếp công dân được duy trì hàng quý; việc tiếp xúc cử tri thật sự đi vào nề nếp trước kỳ họp và sau kỳ họp HĐND các cấp.
Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Quyết định số 218-QĐ/TW được hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp tích cực tham gia, góp ý (đối tượng góp ý là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, thời gian trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tại hội nghị cán bộ, công chức); việc lấy ý kiến nhận xét của chỉ ủy, đại diện Ban điều hành thôn (khu phố), đại diện Mặt trận, các đoàn thể nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên hàng năm được tiến hành nghiêm túc theo quy định. Tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đặt Hòm thư góp ý và phân công cán bộ theo dõi.
Riêng việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đối với nhân dân được thực hiện nghiêm túc ở cấp huyện và một số xã như: Tân Thành, Hàm Mỹ, Tân Lập. Thông qua đối thoại, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Song song với việc tổ chức đối thoại, các cấp ủy Đảng, chính quyền còn quan tâm đến công tác Dân Vận của hệ thống chính quyền trong việc thực hiện các chính sách an sinh- xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân; tập trung triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm phục vụ dân sinh, kinh tế- xã hội; chống hạn, giải quyết nước sản xuất và sinh hoạt, hỗ trợ giống, cây trồng cho nhân dân; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh và vay vốn theo Nghị định 41 của Chính phủ, đặc biệt là trong chỉ đạo thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm, áp dụng đúng chính sách của tỉnh, dân chủ trong đối thoại, tạo được sự đồng thuận cao trong dân; triển khai đề án xây dựng nông thôn mới, làm giao thông nông thôn đều được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và vận động nhân dân đóng góp tiền, công sức để thực hiện; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai thực hiện như: cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tạo điều kiện trong giải quyết công việc cho tổ chức và nhân dân; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông giữa các cơ quan cùng cấp hành chính và giữa các cấp hành chính nhằm công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính. Thông qua các lần tiếp xúc cử tri, các kỳ họp HĐND, sơ, tổng kết, họp giao ban… lồng ghép trong sinh hoạt đoàn thể, họp dân ở các thôn, các tổ nhân dân tự quản, hoặc thông qua hệ thống truyền thanh, thông tin lưu động, niêm yết tại trụ sở UBND cho nhân dân biết.
Việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở có nhiều chuyển biến, kịp thời cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống với nhiều hình thức phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh và đã huy động sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn; Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở được bầu, củng cố, từng bước phát huy được vai trò giám sát.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nội dung trong Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ chính trị (khóa XI), các văn bản của tỉnh, của huyện ở một số cấp ủy các xã, thị trấn còn nhiều hạn chế như:
Công tác phổ biến tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội một số nơi còn hạn chế; việc ban hành các văn bản để triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm.
Việc định hướng nội dung giám sát hàng năm của một số cấp ủy còn chậm (có một số cấp ủy chưa phê duyệt nội dung giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội); năng lực, kỹ năng giám sát một số cán bộ còn nhiều hạn chế; việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát có lúc, có nơi chưa phù hợp; đối tượng giám sát chủ yếu là các tập thể, chưa chú ý nhiều đến các cá nhân.
Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhiều nơi chưa xây dựng và tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân.
Công tác phản biện xã hội chưa rõ nét, kỹ năng trong công tác phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, lúng túng.
Công tác dân vận chính quyền tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh, chưa đều. Việc phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và cán bộ làm công tác dân vận ở một số nơi chưa được chú ý; việc phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội trong đánh giá các chương trình, kế hoạch hoạt động thiếu thường xuyên. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tuy có quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác dân vận, nhất là ở cơ sở còn nhiều khó khăn./.