Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Huyện Hàm Thuận Nam đang chuyển dịch theo hướng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ. Huyện có diện tích tự nhiên là 105.878 ha, có chiều dài bờ biển 23,5km, với 03 xã bãi ngang Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý, hiện có trên 465 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, phương tiện đánh bắt chủ yếu là tàu, thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, với tổng số tàu, thuyền là 135 chiếc. Trong những năm gần đây sản lượng khai thác thủy hải sản ngày càng giảm; do quá trình thai thác, việc quản lý bảo vệ nguồn lợi chưa tốt; đồng thời do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng xâm ngập mặn gây ra, đời sống của ngư dân sống ven bờ còn gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2017, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các ngành của tỉnh, với sự hỗ trợ về chuyên môn của Chi cục Thủy sản tỉnh, các dự án vừa và nhỏ tại Việt Nam (GEF/SGP) về nguồn kinh phí và vốn đối ứng của địa phương và sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng ngư dân của 03 xã, Dự án mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ được triển khai thực hiện tại huyện Hàm Thuận Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực: nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dần thay đổi từ khai khai thác đi đôi với bảo vệ và giữ gìn nguồn lợi thủy sản. Đây là một mô hình rất thiết thực, hiệu quả và có tính nhân rộng cao. Mô hình Dự án được thực hiện trên diện tích mặt biển là 43,4 km2, thành lập được 03 Hội cộng đồng ngư dân tại 03 xã với 288 thành viên tham gia. Chính quyền địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên liên quan để giúp dự án trong việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua hơn 05 năm thực hiện mô hình, đến nay đã cho kết quả rõ rệt: nhiều loại hải sản đã di trú đến, riêng thủy sản 02 mảnh vỏ như sò lông đã phục hồi dưới đáy biển. Mang lại nguồn thu nhập khá tốt cho ngư dân hành nghề khai thác biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn rất nhiều khó khăn trở ngại: Cơ sở hạ tầng nhà sinh hoạt, phương tiện tuần tra của Hội cộng đồng còn thô sơ, tình trạng khai thác thủy sản sai tuyến cùng nghề giã cao đôi lúc vẫn còn xảy ra. Mặt khác Cơ chế giao quyền quản lý bảo vệ nguồn lợi và khai thác thủy sản cho Hội cộng đồng ngư dân chưa rõ ràng (Tại Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 của Chính phủ chưa quy định rõ những ngư dân không tham gia vào hội cộng đồng mà khai thác trong phạm vi được giao quyền đúng theo quy định thì chưa có chế tài cấm) do đó chưa thúc đẩy mạnh mẽ ngư dân tham gia Hội cộng đồng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Do đó, theo đề xuất, nguyện vọng và nhu cầu cấp thiết của người dân, huyện đã đề xuất Chi cục Thủy sản Bình Thuận kiến nghị cấp trên và được Tổng cục Thủy sản kết nối Quỹ Thiện Tâm xem xét tài trợ cho việc thả phao đánh dấu khu vực biển thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các tổ chức cộng đồng ngư dân tại xã Thuận Quý, xã Tân Thành và xã Tân Thuận. Ngay sau khi dự án được duyệt, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực, chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Thuận cùng với Ủy ban nhân dân các xã và cộng đồng ngư dân họp bàn, khảo sát thực địa, liên hệ đối tác để triển khai dự án nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.
Vừa qua, sáng ngày 22/12/2022, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đã tổ chức Lễ khởi công thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý tại xã Tân Thành. Công trình này được đầu tư với nguồn vốn là 1,3 tỷ đồng, bao gồm Quỹ Thiện Tâm (thuộc tập đoàn Wingroup) tài trợ 915 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách huyện và các bên liên quan hỗ trợ thực hiện, với số lượng 23 phao.
Phát biểu tại buổi Lễ khởi công thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý, đồng chí Lê Thị Bích Liên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho rằng: Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi hải sản của cộng đồng ngư dân địa phương; đánh dấu vị trí, xác định ranh giới, cắm móc vùng biển bảo vệ để hạn chế tình trạng vi phạm giã cào bay khai tác sai tuyến. Mặt khác, dự án này đã phát huy, hỗ trợ cho Hội cộng đồng tiếp tục tuyên truyền phát huy mạnh mẽ ngư dân tham gia cùng với chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
Để dự án mô hình tiếp tục được thực hiện và đạt kết quả tốt hơn, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, cấp ủy và chính quyền 03 xã Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý lãnh đạo, chỉ đạo 03 Hội cộng đồng ngư dân phối hợp, quản lý chặt chẽ, đồng bộ khu vự vùng biển đồng quản lý để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản đến cán bộ, công chức và ngư dân trên địa bàn; kêu gọi, vận động cộng đồng ngư dân 03 xã cùng tham gia bảo vệ; phối hợp Đồn Biên Phòng Tân Thành thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, bảo vệ công trình, thiết bị phao thả đánh dấu vùng biển đồng quản lý để Dự án mô hình đạt được kết quả tốt nhất.
Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình sinh kế, du lịch cộng đồng, nuôi trồng thủy sản trong vùng biển đồng quản lý, do đó huyện Hàm Thuận Nam rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội nghề cá Trung ương, Tổng cục thủy sản, các ngành của tỉnh và các đơn vị tài trợ dự án để huyện Hàm Thuận Nam thuận lợi thực hiện thành công Đề án thúc đẩy, trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản của địa phương./.