Hàm Thuận Nam với phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, giai đoạn 2017 – 2022

      Giai đoạn 2017 – 2022, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi lần thứ VIII, giai đoạn 2017 – 2022

      Công tác tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, hội viên, nông dân về các chế độ, chính sách, nghị quyết liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đẩy mạnh, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn”; Chỉ thị số 05-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”.

      Để các chế độ, chính sách, nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đi vào thực tiễn và phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi trong huyện ngày càng phát triển; ban chỉ đạo phong trào các cấp trong huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào; phân công thành viên phụ trách theo dõi địa bàn tổ chức thực hiện; đầu năm, tổ chức phát động cho các hộ nông dân đăng ký sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp và cuối năm, tổ chức bình xét, sơ kết phong trào. Một trong những chính sách hỗ trợ quan trọng nhất trong thực hiện phong trào là cung cấp vốn và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng dư nợ cho vay qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hàm Thuận Nam, Hàm Mỹ là 1.627 tỷ đồng/9.071 hộ/104 tổ; Ngân hàng chính sách xã hội huyện là 83,480 tỷ đồng/2.806 hộ/ 63 tổ tiết kiệm và vay vốn; Hội Nông dân nhận ủy thác vốn thuộc dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương là 06 dự án/2,9 tỷ đồng; vốn thuộc dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh là 04 dự án/700 triệu đồng và vốn thuộc dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện là 11 dự án/900 triệu đồng. Hội Nông dân huyện tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nông dân, nông thôn. Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản sản phẩm… với 372 lớp/14.136 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Hội Nông dân huyện và các cơ sở Hội đã tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả cao ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh như: mô hình “trồng cây xoài và mít” tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, các mô hình kinh tế tại tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Lâm Đồng; cung ứng hơn 246.000 bóng đèn Compact, đèn Led tiết kiệm điện năng thay cho bóng đèn dây tóc có hỗ trợ giá cho nông dân (3.000đồng/bóng và trả chậm trong 3 tháng); phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn được 41 lớp/1.189 người. Sự phối hợp giữa Hội Nông dân với các ban ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ, đồng bộ hơn là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi trong toàn huyện ngày càng phát triển.

      Với các chính sách tăng cường đầu tư đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đã tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế trong nông nghiệp phát triển; tiếp tục hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long và ngày càng chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; đã thu hút đầu tư một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngành chăn nuôi hình thành được một số trang trại tập trung, chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định; phối hợp quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung gắn với chế biến. Hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và sản xuất muối tiếp tục ổn định. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện có hiệu quả. Nhiều công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương được sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa và đầu tư mới như cải tạo, sửa chữa hồ Đu Đủ, hồ Tà Mon; kiên cố hóa kênh Bắc Ba Bàu và nhiều tuyến kênh nội đồng; làm mới tuyến kênh chuyển nước Sông Móng – Hàm Cần; kênh chuyển nước Tân Lập – Tà Mon và khởi công hệ thống kênh tưới Hàm Thạnh. Ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển; phối hợp thu hút 27 dự án vào các khu công nghiệp Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, với tổng vốn đầu tư 1.636,35 tỷ đồng và 100,689 triệu USD. Hệ thống lưới điện được quan tâm đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn huyện. Ngành du lịch, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; loại hình du lịch ngày càng đa dạng hơn, đã thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp; hệ thống thông tin liên lạc được nâng cấp theo hướng hiện đại. Các dịch vụ điện, nước sinh hoạt, vận tải, bưu chính – viễn thông, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, cung cấp vật tư phục vụ cho sản xuất, xây dựng… tiếp tục được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn. Kinh tế tập thể đã có bước phát triển, hoạt động của hợp tác xã có những hỗ trợ tích cực cho xã viên trong sản xuất, kinh doanh. Kinh tế trang trại phát triển khá mạnh, tập trung là các trang trại trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nông – lâm nghiệp kết hợp. Kinh tế hộ tiếp tục phát triển, các hộ gia đình có điều kiện về vốn, đất đai và sức lao động đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là phát triển cây thanh long, trồng rừng, chăn nuôi… đem lại hiệu quả rõ rệt.

      Cùng với sự tăng cường đầu tư của Nhà nước vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, 05 năm qua các cấp, các ngành trong huyện đã vận động trong nông dân 5.993,775 triệu đồng, 2.881 ngày công lao động và hiến đất 1.374 m2 để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại, học tập, khám chữa bệnh cho nông dân. Chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng lên. Chất lượng dạy và học ở các cấp học, bậc học ngày càng được nâng cao. Công tác giảm nghèo được thực hiện tích cực, thông qua nhiều biện pháp hỗ trợ về vốn, đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, dạy nghề, đảm bảo 100% hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn đế phát triển sản xuất, kinh doanh... Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã có những đóng góp tích cực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

      Thông qua các chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng, Hội đã tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tuyên truyền rộng rãi trong nông dân nâng cao cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống các loại tội phạm, bài trừ ma tuý, mại dâm…; nhiều mô hình tự quản, tự phòng phát huy hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương; vận động con, em nông dân thực hiện tốt luật nghĩa vụ quân sự, hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự đạt và vượt chỉ tiêu giao quân hàng năm; tham gia tốt cuộc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, làm tốt công tác hậu phương Quân đội.

      Qua 5 năm thực hiện, Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đã đạt được những kết quả phấn khởi; thu hút đông đảo nông dân tham gia, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng đúng hướng và tạo nên những thành tích trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng, an ninh.

      Phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng đã có tác động tích cực trong việc làm giàu và giảm nghèo bền vững ở nông thôn. Tại Hội nghị lần thứ VIII, giai đoạn 2017 - 2022 có 12/13 xã, thị trấn tổ chức bình chọn được 7.892 hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí mới. Trong đó, hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp Trung ương có 37 hộ; cấp tỉnh có 243 hộ; cấp huyện có 748 hộ; cấp xã có 6.864 hộ; xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại (hộ ông Nguyễn Văn Ẩn ở xã Hàm Mỹ; ông Bùi Ngọc Lê ở thị trấn Thuận Nam; ông Nguyễn Văn Tám ở xã Thuận Quý); mô hình kinh tế vườn gắn với kinh doanh vật tư nông nghiệp (hộ ông Đinh Văn Cường ở xã Hàm Thạnh, ông Nguyễn Văn Hội ở thị trấn Thuận Nam); mô hình làm vườn kết hợp chăn nuôi (hộ ông Lê Văn Ngọ, ông Phạm Văn Tám ở xã Hàm Cần); mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh trái thanh long (hộ ông Đỗ Quốc Phong ở thị trấn Thuận Nam, ông Lê Hoài Ân ở xã Tân Lập); mô hình nuôi trồng thủy sản (hộ ông Nguyễn Quang Trang ở xã Tân Thành về nuôi ếch lấy thịt, sản xuất con giống và nuôi ghép với cá rô).

      Phát huy kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn mới, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền, các ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; nông dân Hàm Thuận Nam quyết tâm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; tăng dần số lượng, chất lượng các hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng thêm nhiều mô hình mới, gương điển hình xuất sắc để phong trào thực sự đi vào cuộc sống của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.


Các tin khác