Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tích cực quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phối hợp tốt giữa Nhà nước với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, hướng đến đảm bảo sau học nghề, số lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập người dân nông thôn tăng lên.
Tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành kèm theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hóa phổ thông để nâng cao kiến thức văn hóa và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh trước khi tham gia thị trường lao động.
Chỉ đạo phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo nghề tổ chức cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo; nghiên cứu, đổi mới nội dung chương trình, tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại các khu vực nông thôn của huyện. Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn; các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nêu trong Chỉ thị số 37-CT/TW; Kế hoạch số 224-KH/HU phải gắn với các Kế hoạch, Chương trình hành động khác có liên quan, nhất là Chương trình hành động số 42-CTr/TU, ngày 14/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoạt động giám sát, phản biện xã hội; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện, đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.