Diện tích tự nhiên 105.178,2 ha, bao gồm 12 xã và 01 thị trấn. Dân số khoảng 101.500 người. Có 11 dân tộc đang sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 5,52%. Ở huyện có các tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Bà ni,...với gần 40.000 tín đồ.
Ngày đầu mới thành lập dân số của huyện chỉ có hơn 40.000 người với 9 xã (6 xã tách từ huyện Hàm Thuận, 3 xã tách từ huyện Hàm Tân). Nhà ở và nơi làm việc của các cơ quan huyện đều là nhà mượn tạm,lợp tranh, vách đất. Điều kiện sinh hoạt khó khăn. Hệ thống giao thông đều là đường đất lầy lội. So với các huyện khác vừa chia tách và thành lập cùng thời kỳ thì Hàm Thuận Nam là huyện khó khăn và nghèo nhất. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, hệ thống giao thông xuống cấp. Lĩnh vực y tế, giáo dục thiếu trấm trọng về cơ sở vật chất, con người chuyên môn,...Điểm mạnh duy nhất là đất đai còn bạt ngàn nhưng hoang vu, tài nguyên khoáng sản và một số tiềm năng khác còn dồi dào nhưng chưa được khai thác.
Tuy nhiên, sau hơn 30 hình thành và phát triển, huyện đã gặt hái nhiều thành quả. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp – dịch vụ, giảm dần ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm là 12,84%; trong đó, ngành nông - lâm thủy sản tăng trưởng 11,43%, công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 12,15%, dịch vụ tăng trưởng 16,9%. Thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu đồng. Đặc biệt, Hàm Thuận Nam là vùng có diện tích trồng cây thanh long nhiều nhất tỉnh, cây thanh long có giá trị kinh tế cao đã làm thay đổi rõ bộ mặt đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn trên địa bàn huyện, nhất là số nhà ở kiên cố, cao tầng và tài sản cố định lâu bền, có giá trị lớn như: mô tô, xe máy, xe ô tô,... của các hộ dân tăng lên đáng kể.
Khu công nghiệp Hàm Kiệm I và II với diện tích 569 ha dang từng bước hoàn thiện và kêu gọi đầu tư sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp của huyện. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng như: tuyến đường ĐT 720, tuyến đường Hàm Minh – Thuận Quý, hệ thống kênh chuyển nước từ hồ Sông Móng về hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập,...phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hàm Thuận Nam là huyện có tiềm năng lớn về du lịch, với lợi thế cách không xa thành phố Phan Thiết (trung tâm huyện - thị trấn Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết 28 km về hướng Tây Nam), có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam chạy qua, có dải bờ biển dài và đẹp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Hàm Thuận Nam phát triển về du lịch. Nhiều cơ sở du lịch được đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và vui chơi của du khách như: Sài Gòn – Suối Nhum, Ánh Dương, Đồi Sứ, Việt – Pháp,...Số khách đến du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng tăng bình quân hằng năm 19,5%.
Nhắc đến du lịch của Hàm Thuận Nam không thể không nhắc đến 02 thắng cảnh là hải đăng Kê Gà và chùa núi Tà Cú đây là những thắng cảnh có nét đẹp biểu trưng cho tự nhiên vừa biểu trưng cho lịch sử của huyện. Ngọn hải đăng Kê Gà cao 65m (so với mặt biển) được xây dựng từ thế kỷ XIX, hiện là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung. Hàng năm Hải đăng Kê Gà đón từ 10.000 đến 12.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan chiêm ngưỡng. Trải qua 02 cuộc kháng chiến chống xâm lược ngọn hải đăng Kê Gà vẫn sừng sững cùng năm tháng, đêm lấp lánh chỉ đường cho tàu bè như tấm lòng kiên trung của những người con quê hương Hàm Thuận Nam. Chùa núi Tà Cú khởi đầu là một thảo am do thầy Hữu Đức lập vào năm 1869. Đặc biệt, nét độc đáo nhất của ngôi chùa cổ này là pho tượng Thích Ca Mô Ni nhập niết bàn, nằm nghiêng, gối đầu lên tay, dài 49 mét, cao 11 mét, lưng tựa vào vách núi, mặt hướng ra biển đông, được xây dựng vào những năm 1960, thế kỷ XX, do kiến trúc sư Trương Đình Ý kiến tạo; pho tượng đã được Tổ chức kỳ lục châu Á xác lập kỷ lục tượng Phật nhập Niết bàn trên núi dài nhất châu Á. Ngoài nét đẹp thiên nhiên và tín ngưỡng, đối với nhiều người con quê hương Hàm Thuận Nam, núi Tà Cú còn gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hàm Thuận Nam có quyền tự hào về con người, những vùng đất gắn với bao chiến công, 07 xã được công nhận là xã anh hùng, 80 mẹ được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (hiện có 8 mẹ còn sống), hàng trăm liệt sỹ đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương,...
Song song với việc quan tâm phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã huy động mọi nguồn lực với phương châm xã hội hóa, chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng, thiết thực, 13/13 xã, thị trấn có bác sỹ, nữ hộ sinh. Mạng lưới trường, lớp học được đầu tư thỏa đáng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo của địa phương. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có những chuyển biến đáng kể, xã hội hóa trong hoạt động văn hóa từng bước được phát huy hiệu quả. Các vấn đề văn hóa – xã hội được chăm lo tốt, đã quan tâm đầu tư xây dựng; sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đảm bảo an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được cải thiện trở thành động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện, tình làng nghĩa xóm, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc.
Với những thành tựu đạt được trong những năm qua và truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù của những người con quê hương Hàm Thuận Nam, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận Nam luôn tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong những năm tiếp theo để đưa Hàm Thuận Nam trở thành một trong những huyện phát triển nhất của tỉnh Bình Thuận./.