Thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 12/10/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Công văn số 1281-CV/HU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự để triển khai đến các cấp ủy Đảng, các ngành của huyện; chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã có Kế hoạch số 28/KH-UBND và Văn bản số 1237/UBND-NC ngày 12/11/2009 chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các cơ quan trong huyện tăng cường tuyên truyền Luật và công tác thi hành án dân sự. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và lãnh đạo các cơ quan đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên được nâng lên thấy được vị trí, tầm quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng các ngành, các cấp đều phải có trách nhiệm tham gia thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án. Nhờ đó kết quả chỉ đạo của các cấp ủy, cũng như sự phối hợp của các cơ quan tư pháp với các xã và các ngành liên quan trong thi hành án dân sự có hiệu quả hơn.
Qua 03 năm thực hiện công tác thi hành án dân sự, đã thụ lý 1.529 việc; trong đó phải thi hành 1.146 việc và ủy thác đi 89 việc. Kết quả cụ thể: Năm 2010, thụ lý 472 việc (trong đó số cũ chuyển sang 150 việc và thụ lý mới 322 việc), có điều kiện thi hành 357 việc và ủy thác 28 việc. Đã thi hành xong hoàn toàn 260 việc, đình chỉ 22 việc, thi hành đều 22 việc, thi hành dở dang 38 việc, chưa thi hành được 15 việc và chưa có điều kiện thi hành 87 việc, đạt 85%. Tổng số tiền phải thi hành 7.165.439.000 đồng (số tiền mới thụ lý là 5.088.490.000 đồng). Số có điều kiện thi hành 4.976.230.000 đồng và số ủy thác 54.541.000 đồng. Số tiền thi hành đã thu được 2.958.990.000 đồng; số tiền đình chỉ 22.525.000 đồng; số tiền miễm, giảm 9.988.000 đồng; số tiền còn phải thu 1.984.727.000 đồng và số tiền chưa có điều kiện thi hành 2.134.668.000 đồng, đạt 60%; Năm 2011, thụ lý 588 việc (trong đó số cũ chuyển sáng 155 việc và thụ lý mới 433 việc), có điều kiện thi hành 415 việc và ủy thác 31 việc. Đã thi hành xong hoàn toàn 295 việc, đình chỉ 11 việc, thi hành đều 25 việc, thi hành dở dang 41 việc, chưa thi hành được 43 việc và chưa có điều kiện thi hành 142 việc, đạt 80%. Tổng số tiền phải thi hành 21,5 tỷ đồng (số tiền mới thụ lý là 17,581 tỷ đồng). Số có điều kiện thi hành 12,63 tỷ đồng và số ủy thác 77,95 triệu đồng. Số tiền thi hành đã thu được 7,579 tỷ đồng; số tiền đình chỉ 1,546 tỷ đồng; số tiền miễm, giảm 0 đồng; số tiền còn phải thu 3,504 tỷ đồng và số tiền chưa có điều kiện thi hành 8,791 tỷ đồng, đạt 72%; Từ đầu năm 2012 đến nay, thụ lý 469 việc (trong đó số cũ chuyển sáng 192 việc và thụ lý mới 277 việc), có điều kiện thi hành 374 việc và ủy thác 30 việc. Đã thi hành xong hoàn toàn 168 việc, đình chỉ 07 việc, thi hành đều 21 việc, thi hành dở dang 79 việc, chưa thi hành được 99 việc và chưa có điều kiện thi hành 65 việc, đạt 53%. Tổng số tiền phải thi hành 17,437 tỷ đồng (số tiền mới thụ lý là 10,413 tỷ đồng). Số có điều kiện thi hành 15,554 tỷ đồng và số ủy thác 94,656 triệu đồng. Số tiền thi hành đã thu được 2,717 tỷ đồng; số tiền đình chỉ 543,536 triệu đồng; số tiền miễm, giảm 0 đồng; số tiền còn phải thu 12,293 tỷ đồng và số tiền chưa có điều kiện thi hành 1,787 tỷ đồng, đạt 21%.
Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thi hành án được quan tâm đúng mức và giải quyết có kết quả tốt; việc theo dõi, phân loại và tổng hợp đơn thư có nhiều chuyển biến tích cực, sâu sát và chặt chẽ, mang lại hiệu quả nhất định trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, đã góp phần vào trong tiến trình cải cách tư pháp. Trong thời gian qua, Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 14 việc; đã trực tiếp giải quyết 12 việc, chuyển tỉnh giải quyết 02 việc theo thẩm quyền, hiện không còn tồn.
Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan trong khối nội chính ở địa phương thực hiện khá tốt, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, nổi cộm phải cưỡng chế thi hành. Công tác phối hợp với mặt trận, các đoàn thể trong việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật được quan tâm. Bên cạnh việc áp dụng biện pháp hành chính, Huyện đã chỉ đạo làm khá tốt công tác dân vận trong thi hành án dân sự, thực hiện khá tốt việc vận động, thuyết phục đối với người có trách nhiệm phải thi hành án tự nguyện thi hành, hạn chế thấp nhất số vụ việc phải đưa ra cưỡng chế.
Thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND, tại các kỳ họp HĐND đã tổng hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của đại biểu đều được Thường trực HĐND quan tâm tổng hợp và chuyển cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời nghiêm túc tại các kỳ họp. Số ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự không nhiều và được các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng. Đã giám sát đối với việc thi hành các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật được thực hiện khá thường xuyên, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy và chính quyền các cấp của huyện có nhiều cố gắng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp khá tích cực đối với lĩnh vực thi hành án dân sự và đạt được kết quả tương đối cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án dân sự cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức của ngành thi hành án không ngừng được củng cố, kiện toàn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của chấp hành viên và cán bộ, công chức thi hành án được đào tạo nâng cao; cơ sở vật chất được nâng cấp. Tỷ lệ thi hành án hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch ngành cấp trên giao. Công tác chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các bản án, các quyết định của toà án được đưa ra thi hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn gặp khó khăn, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; số lượng án chưa có điều kiện thi hành vẫn còn nhiều, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành còn cao, số tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa thu hồi được còn khá lớn. Một số cán bộ, công chức của cơ quan thi hành án chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm; chưa thực sự chủ động trong công việc được giao; công tác rà soát, phân loại án chưa được tiến hành thường xuyên, còn nhiều trường hợp thiếu chính xác. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành Luật thi hành án dân sự còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Luật Thi hành án dân sự và Chỉ thị số 44 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự để công tác này thực sự có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới; huyện đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án dân sự, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành án đến các ngành, các cấp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa và chấp hành nghiêm túc pháp luật về thi hành án dân sự; tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án; thực hiện tốt quy chế phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự; rà soát kỹ và lập kế hoạch để giải quyết sớm các vụ việc có điều kiện thi hành mà đang tồn đọng, không để xây ra khiếu nại vượt cấp gây mất an ninh trật tự; tăng cường công tác giám sát của HĐND, UBMT huyện và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác thi hành án dân sự, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm tồn đọng, đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân.
NGỌC ÂN