Hàm Thuận Nam nâng cao cảnh giác công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

      Hàm Thuận Nam là một huyện ở phía Nam của thành phố Phan Thiết với diện tích tự nhiên 105.837,95 ha, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 52.289,26 ha. Trong năm 2020 trên địa bàn huyện đã xảy ra 20 vụ cháy rừng với diện tích 52,417 ha (rừng đặc dụng 30,880 ha, rừng sản xuất 21,537 ha) thuộc lâm phận Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu quản lý, hiện trạng chủ yếu là cháy thực bì, cỏ khô; các vụ cháy rừng được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời và huy động lực lượng khoanh vùng, dập tắt nên đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại tài nguyên rừng, tài sản, tính mạng của người dân xung quanh rừng.

Đồng chí Nguyễn Minh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Trần Ngọc Diệp – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cùng đoàn công tác trong chuyến thực địa kiểm tra rừng

     Những ngày qua, trên địa bàn huyện thời tiết hanh khô, nắng nóng kết hợp với gió lớn kéo dài nên nguy cơ cháy rừng là rất cao; công tác dự báo cháy rừng của cơ quan chức năng đối với địa bàn huyện đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng tại các khu vực trọng điểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện thường xuyên đi cơ sở, bám sát địa bàn chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, trong các cuộc họp giao ban bí thư, chủ tịch các xã, thị trấn và làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo huyện thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách, phân công lực lượng đủ mạnh để thực hiện công tác chữa cháy khi cháy rừng.

     Nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô và giảm thiểu thiệt hại về môi trường, tài nguyên do cháy rừng gây ra; các cơ quan, đơn vị, địa phương và các chủ rừng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

     Một là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân có nương rẫy giáp rừng và sinh sống ven rừng không được đốt nương rẫy, sử dụng lửa tại các khu vực cấm; đồng thời đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, chấp hành và thực hiện; kiên quyết không để những đối tượng sử dụng lửa trong những khu rừng có nguy cơ cháy cao nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy gây thiệt hại tài nguyên rừng; kiểm soát chặt chẽ người dân ra vào rừng tại các khu vực trọng điểm trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.

     Hai là, tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các chủ rừng và các địa phương về việc chấp hành văn bản chỉ đạo của cấp trên và thực hiện nội dung phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã được xây dựng, công tác tổ chức canh trực phải đảm bảo 24/24 giờ tại các chòi canh, chốt, trạm… Trong thời kỳ cao điểm nắng nóng thực hiện chế độ trực và báo cáo theo quy định; thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin cảnh báo sớm cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của Cục Kiểm lâm cung cấp vị trí có nguy cơ cháy rừng cho các đơn vị chủ rừng để chủ động kiểm tra và có biện pháp ứng phó kịp thời, báo cáo ngay khi xảy ra cháy rừng về Ban Chỉ huy bảo vệ rừng – phòng cháy, chữa cháy rừng huyện.

     Ba là, xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các đối tượng cố ý gây cháy rừng, hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ; các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu của các chủ rừng, cơ quan, đơn vị trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình nhưng không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả và khi cháy rừng xảy ra không tổ chức chữa cháy kịp thời.

     Bốn là, các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng một cách đồng bộ, giám sát, quản lý chặt chẽ các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy lớn của đơn vị mình quản lý. Thường xuyên tuần tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng ra vào rừng có hành vi sử dụng lửa trong rừng và khu vực ven rừng. Chuẩn bị đảm bảo mọi điều kiện để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, thường trực tại đơn vị để kịp thời triển khai lực lượng ứng phó trong trường hợp cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng về Hạt Kiểm lâm huyện.

     Năm là, chính quyền địa phương các xã, thị trấn cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra đôn đốc các hộ gia đình sống gần rừng thực hiện cam kết bảo vệ rừng – phòng cháy, chữa cháy rừng với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng, tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu để phát hiện và ngăn chặn những người không có trách nhiệm ra vào rừng, nhất là các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng./.


Các tin khác