MỘT VÀI SUY NGẪM VỀ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG HIỆN NAY, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP.

(Hình minh họa, nguồn Internet)

Ở Bình Thuận, những năm qua có nhiều vụ bạo lực học đường mà hậu quả hết sức nghiêm trọng như năm 2015, chỉ vì cái liếc nhìn, một học sinh trường THCS Hàm Chính – Hàm Thuận Bắc đã rút dao đâm chết bạn cùng trường. Ngày 15/02/2016, vì mâu thuẫn mà Võ Ngọc Hiếu, học sinh lớp 9A4 trường THCS Nguyễn Du bị Lê Minh Huy, học sinh lớp 9A5 (cũng trường THCS Nguyễn Du) cùng 01 nhóm bạn dùng mũ bảo hiểm, dao, kéo đuổi đánh tử vong khi Hiếu vừa ra khỏi cổng trường,…

Vậy nguyên nhân nào làm cho bạo lực học đường hiện nay trở nên nghiêm trọng như vậy?

Trước hết, có thể nói, vấn đề bạo lực học đường gia tăng bắt nguồn từ đạo đức có phần xuống cấp. Đạo đức và bạo lực tuy là 02 phạm trù khác nhau song chúng có  mối quan hệ biện chứng với nhau. Đạo đức là nguyên nhân còn bạo lực là kết quả. Nếu đạo đức học sinh tốt thì sẽ hạn chế, thậm chí triệt tiêu luôn vấn đề bạo lực và ngược lại. Tuy nhiên, phạm trù đạo đức là rất rộng, đạo đức phải được hình thành qua một quá trình được dạy dỗ, uốn nắn, rèn luyện, thậm chí là va vấp mới hoàn thiện, còn bạo lực có thể diễn ra một cách nhất thời, tức thì, nhất là dưới sự tác động đa dạng của thông tin, các mạng xã hội ngày nay. Vấn đề bạo lực học đường có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do công tác giáo dục

Phải chăng hiện nay vấn đề giáo dục trong trường học ít được quan tâm hơn so với trước kia? Không bàn đến vấn đề nội dung, riêng tên gọi thì chương trình hiện tại không có một môn nào từ bậc Tiểu học đến THPT có tên gọi “Đạo đức”, nội dung đạo đức được tích hợp trong môn giáo dục công dân, lại được xem là môn phụ, trong khi chương trình cũ trước đây có hẳn 01 môn học như vậy. Thời lượng các môn học hiện nay được nhiều ý kiến đánh giá là nặng, ít các hoạt động xã hội, ngoại khóa, thiên về tự nhiên, điểm số, còn nặng thành tích,… nên ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh.

Mặt khác, dưới sự tác động của kinh tế, các giá trị vật chất đang ngày càng lên ngôi thì hầu hết các bậc cha mẹ thường tập trung vào đời sống, kinh tế, còn tâm lý khoáng trắng việc giáo dục cho nhà trường mà ít quan tâm đến việc giáo dục con em mình. Thực tế chỉ ra, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra mà các em tham gia thì hầu hết hoàn cảnh gia đình có vấn đề, nếu cha mẹ không ly hôn thì cũng ít quan tâm đến con cái hoặc chu cấp quá đầy đủ về tiền bạc mà thiếu sự chăm sóc, dạy bảo.

Thứ hai, do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi và tác động của xã hội

Học sinh, sinh viên – nói chung là giới trẻ, đặc biệt lứa tuổi teen (11 đến 17 tuổi) là độ tuổi đang hình thành nhân cách, độ tuổi dễ thích nghi song cũng dễ bị tác động nhất bởi các yếu tố bên ngoài. Ở cái lứa tuổi ăn chưa đủ no lo chưa tới này khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này, chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, bùng nổ của các trang mạng xã hội, việc tiếp cận thông tin của giới trẻ, rất đa dạng và dễ dàng. Không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà internet đã mang lại song những tác động tiêu cực của nó cũng không hề nhỏ. Những video clip về học sinh đánh nhau, về mối quan hệ bất thường giữa thầy với trò hay những tin giật gân về thầy giáo có hành vi chưa đúng mực với học sinh ở nơi này nơi khác luôn là những tin “hot”, có sức lây lan nhanh chóng; chưa kể, các thông tin mang tính thêu dệt, bịa đặt nhằm câu “like” cũng đã xuất hiện này càng nhiều trên các trang mạng xã hội, gây ra hiệu ứng đám đông. Theo thống kê, các trò chơi trên mạng Internet hiện nay có tới 77% là trò chơi có xu hướng bạo lực, các bộ phim hành động kinh dị, xã hội đen đua nhau trình chiếu trên tivi, các rạp chiếu phim, internet,… ngày càng nhiều. Trên mạng đầy nhan nhản những video clip học sinh đánh nhau, đánh thì ít mà cổ vũ thì nhiều; dường như các em đứng bên ngoài cổ vũ, quay phim chưa ý thức được hết hành động của mình. Đó chính là một trong những nguyên nhân tác động, khiến số vụ bạo lực học đường ngày một phức tạp hơn.

Không chỉ các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin do các cơ quan có thẩm quyền quản lý có khi cũng chưa quan tâm đến việc kiểm duyệt thông tin, thường đăng, thậm chí đăng liên tục, nhiều kỳ những tin tức liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, về vấn đề đạo đức trong trường học,…. Không thể phủ nhận, nhờ báo chí mà nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý song điều còn lại sau những thông tin đó là tâm lý hoang mang trong dư luận; nên chăng, có một sự tiết chế cần thiết và chọn lọc thông tin để đăng tải.

Thứ ba, còn thiếu những thiết chế văn hóa, sân chơi cho giới trẻ tìm đến

Thực tế hiện nay, ngoại trừ các thành phố lớn có các phương tiện, thiết chế văn hóa phục vụ thanh thiếu niên một cách tương đối, còn lại các vùng phụ cận hầu hết chưa có hoặc thiếu thốn. Đơn cử trên địa bàn tỉnh ta, toàn tỉnh chỉ có 03/10 huyện có nhà thiếu nhi là Phan Thiết, Lagi và Đức Linh, số lượng các khu vui chơi công cộng chưa nhiều, sân chơi dành riêng cho các giới trẻ còn hạn chế. Mặt khác, công tác tổ chức các hoạt động liên quan đến đạo đức, lối sống do các tổ chức mặt trận, đoàn thể sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các lực lượng có phần hạn chế, mang nặng về hình thức, chỉ nằm ở “phần ngọn”, chưa thu hút đông đảo được giới trẻ tham gia; từ đó, công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, đạo đức, lối sống cho các em còn chưa hiệu quả.

Từ những vấn đề trên, tôi xin được đưa ra một số giải pháp định hướng sau

1, công tác giáo dục là yếu tố quyết định. Giáo dục phải được thực hiện đồng bộ, từ nhiều phía, trong đó chủ yếu là từ gia đình, nhà trường và xã hội. Về phía gia đình, các bậc làm cha, mẹ nên quan tâm hơn nữa đến con em mình. Quan tâm không chỉ là cung cấp đầy đủ nhu cầu vật chất mà còn biết lắng nghe, chia sẻ với con, làm bạn với con. Cha mẹ nên đặt bản thân vào thế giới con trẻ để nắm bắt tâm tư, tình cảm và hiểu được thế giới riêng của con mình để điều chỉnh và định hướng. Việc này nói rất dễ nhưng làm rất khó khăn, cần có kỹ năng và đôi khi, đó còn là một nghệ thuật nên đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của bậc làm cha mẹ.

Để góp phần giải quyết vấn đề bạo lực học đường, nâng cao ý thức đạo đức của học sinh thì vai trò giáo dục của nhà trường là then chốt nhất của công tác giáo dục. Thực tế, học sinh thường nghe thầy cô hơn cha mẹ mình. Các thầy cô giáo là tấm gương, thước đo để các em soi rọi nên muốn học sinh chăm ngoan thì trước tiên người thầy phải mẫu mực và đạo đức. Mặt khác, các chương trình giáo dục cần cụ thể hơn, nhất là chỉ ra cho được cái này là xấu, cái kia là tốt, đây là việc nên làm và thế này là không nên làm, không được chung chung. Một hành động rất đẹp vừa qua mà chúng ta đã thấy trên các phương tiện thông tin là hình ảnh các em học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Tp.HCM) đứng ngay ngắn, cúi đầu chào bác dân phòng bảo vệ trường trước khi vào lớp, đó là hành động đẹp, là đạo đức.

Đối với người lãnh đạo, quản lý nhà trường phải có những hành động thiết thực, bằng những hình thức cụ thể và cần sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, địa phương. Cần phải xây dựng các mô hình tuyên truyền giáo dục trong trường học một cách linh động và phù hợp. Ở Hàm Thuận Nam có các mô hình như “Tuyên truyền pháp luật online” của trường THPT Lương Thế Vinh, “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” được triển khai trong hệ thống Đội TNTP Hồ Chí Minh,  mô hình “Trường học an toàn” của trường THPT Hàm Thuận Nam,… đã góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường ở địa bàn Hàm Thuận Nam, cụ thể năm học 2016-2017 vừa qua, Hội đồng kỷ luật của trường THPT Hàm Thuận Nam chưa một lần phải họp để xét kỷ luật, trường THPT Lương Thế Vinh so với năm học 2015-2016 giảm 8 em bị kỷ luật còn 2 em.

2, vai trò của thông tin, truyền thông và sự vào cuộc của cơ quan chức năng đối với những thông tin phản cảm.

Trong xã hội thông tin và thời đại kỹ thuật số của cuộc cách mang 4.0 hiện nay thì vai trò của thông tin hết sức quan trọng. Sức mạnh và sự lan tỏa của thông tin đôi lúc vượt tầm hiểu biết và kiểm soát của cơ quan quản lý. Do vậy, những người công tác thông tin và truyền thông cần có cái tâm để xây dựng nội dung song cần cũng phải có tầm để lựa chọn thông tin truyền đạt thích hợp. Một hiện tượng phổ biến hiện nay là tâm lý đám đông, có những hành động không đẹp, chưa tốt nhưng lại rất có nhiều người chia sẻ và “thích” trên các trang mạng xã hội, thay vì lên án. Xã hội cần có cái nhìn chuẩn xác hơn về các hiện tượng, các hành vi để chia sẽ những cái hay, cổ vũ những cái tốt và phê phán những cái chưa tốt.

Dư luận vừa qua rất bất bình khi hàng loạt những kênh dành cho thiếu nhi phát trên Youtube lại chứa đựng những hình ảnh, hành động phản cảm và dung tục. Vì lợi nhuận mà một bộ phận không nhỏ những người đội lốt giáo dục trục lợi, đầu độc trẻ thơ. Thực tế buồn là những thông tin giật gân, các trò chơi bạo lực lại có sức lan tỏa lớn vì chúng gợi sự tò mò cho người đọc, người chơi, theo kiểu “xem cho biết”, chơi theo trào lưu,… Do đó, các cơ quan có chức năng kiểm soát thông tin cần sàng lọc những thông tin tốt để đăng tải, nhất là gương học sinh ngoan, tốt, học giỏi để định hướng, giáo dục cho người đọc, người xem, nhất là những người dễ bị tác động như giới trẻ.

3, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể với nhà trường và gia đình, trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

“Việc các em học sinh sử dụng nắm đấm, giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng bạo lực cho thấy những kỹ năng xử sự, giao tiếp xã hội của bản thân đang bị thiếu hụt, không được định hướng theo những chuẩn mực nhất định” ([1]). Do vậy, nhà trường, các tổ chức đoàn thể,…cần tăng cường, tổ chức các hoạt động rèn luyện, trang bị cho các em những kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp phi bạo lực. Khi phát hiện các em học sinh có biểu hiện, hành vi bạo lực, chúng ta cần bình tĩnh, phân tích đúng sai cho các em. Bản thân các em học sinh cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực đó. Trong tập thể lớp, cần tổ chức các nhóm bạn đồng hành tương tự như hình thức “Đôi bạn cùng tiến” để nâng cao nhận thức hiểu biết tăng cường sự trao đổi khắc phục lẫn nhau cùng nhau học tập. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chung tay vào cuộc, cần xem vấn đề bạo lực học đường không phải của riêng nhà trường, gia đình mà là nhiệm vụ của toàn xã hội bởi thế hệ học sinh, thanh niên hôm nay là tương lai của đất nước. Các cơ quan chức năng cần đầu tư các thiết chế văn hóa, sân chơi công cộng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em; các đoàn thể xã hội cần bảo sự lãnh đạo thống nhất, cộng đồng trách nhiệm, phát huy hết vai trò của mình trong giáo dục các em, chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động khu dân cư, khi phát hiện các mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, tránh để lại hậu quả đáng tiếc về sau./.


[1] Ý kiến của PGS.TS. Lê Văn Hảo, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam