Hàm Thuận Nam qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

  • /
  • 30.12.2013 - 16:22

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thực sự đã đi vào cuộc sống, đánh dấu một bước mở đầu rất quan trọng, là nền tảng của sự tiếp thu về các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua 15 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ.

Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nền văn hóa là nhiệm vụ xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa mà trước hết và quan trọng nhất là xây dựng về tư tưởng, đạo đức và lối sống nên các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức phong phú; đến nay, số cán bộ đảng viên toàn huyện đã và đang được đào tạo lý luận chính trị ở các bậc cử nhân, cao cấp là 48 đồng chí, trung cấp là 365 đồng chí.

 

Công tác thông tin tuyên truyền cổ động đã nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Mỗi năm, đội thông tin, đội chiếu bóng lưu động đều tổ chức từ 2 – 3 chương trình mới phục vụ từ 15 – 20 buổi, có 122 – 140 buổi hoạt động thông tin tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim phục vụ cho hàng ngàn lượt nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến. Mỗi xã, thị trấn đều có ít nhất 01 đội văn nghệ quần chúng tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các dịp lễ, tết cũng như tham gia các đợt tổ chức hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện.

Huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ năm 1997, sớm hơn so với kế hoạch 2 năm và kết quả này đến nay được giữ vững; phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007, đúng theo kế hoạch đề ra. Số lượng trẻ em trong độ tuổi được huy động ra lớp ngày càng tăng ở các cấp học, bậc học; chất lượng học tập, hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học tăng theo hàng năm. Nếu năm học 1999 – 2000 số cháu được huy động ra lớp mẫu giáo là 2.356/7.576 đạt tỷ lệ 31,1% thì 15 năm sau, đến năm học 2012 – 2013 là 1.712/1.717 cháu, đạt 99,7% . Duy trì huy động cháu 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm trên 95%; năm 1999 – 2000 là 96,7%; năm 2012 – 2013 là 100%. Cơ sở vật chất của các trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, kiên cố hóa; đang xây dựng và đưa vào sử dụng 20 phòng học năm học 2012 - 2013; nâng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 8/56 trường.

Thực hiện hàng trăm lượt thông tin tuyên truyền lưu động ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện với khoảng 5.500 giờ tuyên truyền cổ động, hơn 3.450 m2 panô và in 11.000m băng rôn…. Công tác thông tin đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được quan tâm chú ý hơn. Duy trì hoạt động hệ thống máy phát FM công suất 150W phủ sóng khoảng 70% số dân toàn huyện, ngoài đài truyền thanh huyện, còn có 13/13 xã, thị trấn có trạm truyền thanh.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc được chú trọng, một số Lễ hội của đồng bào dân tộc Kinh như: lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương ở thôn Minh Thành xã Hàm Minh, Hội Thanh Minh ở thôn Khe Gà, Hội đình, Hội điền ở thôn Văn Kê xã Tân Thành, lễ Dinh Ông ở thôn Đại Thành xã Mương Mán, lễ hội Đình Làng ở thôn Phú Sung xã Hàm Cường, Hội điền ở các thôn xã Tân Lập, Giỗ tổ chùa Linh Sơn (Chùa núi Tà Cú)… Một số Lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số như: lễ Cầu mưa, lễ hội ChaBui của đồng bào dân tộc Chăm ở thôn Hiệp Nghĩa và thôn Hiệp Phước xã Tân Thuận, lễ cúng Giàng lúa, lễ hội Cha Pôn của dân tộc Rai ở thôn 2, thôn 3 xã Hàm Cần, lễ Đầu lúa, lễ Mừng mùa của dân tộc Rai ở 02 thôn xã Mỹ Thạnh; các làng nghề như: đan gùi, đan thúng, đan nong, nia… của đồng bào dân tộc thiểu được bảo tồn và phát huy.

Đến nay đã xây dựng được 56/56 thôn, khu phố văn hóa và công nhận đạt chuẩn 37/56 thôn, khu phố văn hóa.  Hàng năm, 56/56 thôn, khu phố đều tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” thu hút gần 15.000 lượt người tham gia mỗi năm. Công tác xây dựng đơn vị có nếp sống văn minh được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, UBND các xã, thị trấn và kết quả số đơn vị được công nhận đạt nếp sống văn minh tăng dần. Năm 1998 có 10/43 cơ quan đạt danh hiệu nếp sống văn minh, thì năm 2012 có 135/144 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học được công nhận đạt chuẩn văn hóa.

100% trục đường chính ở 02 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhựa hóa; 100% (56/56) thôn, khu phố có điện sinh hoạt; 100% (13/13) xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 13/13 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng, có cán bộ phụ trách văn hoá, xã hội. Các khu dân cư trong huyện đã tích cực vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, trụ sở sinh hoạt của thôn, khu phố, đến nay toàn huyện có 48/56 nhà văn hóa.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể được thể hiện rõ nét qua phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, với phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” đã vận động nhân dân làm mới trên 51,348 km đường giao thông nông thôn, 01 cầu dài 3m và 32 cống với tổng chiều dài 148m; sữa chữa 125,798 km đường, 01 cầu dài 50m; tổng kinh phí thực hiện trên 66,219 tỷ đồng; tổ chức thu gom trên 3.600m3 rác thải và nạo vét trên 4.500m cống rãnh, kênh mương nội đồng. 

Bên cạnh, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Trong chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy chưa thật sự bám vào Chương trình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Chưa chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên, liên tục. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa còn nhiều hạn chế. Chưa hình thành được các chi hội văn học, nghệ thuật, chưa quy tụ được đội ngũ văn nghệ sĩ và chưa tạo nhiều điều kiện cho hoạt động sáng tạo, sáng tác. Hệ thống thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ huyện đến cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc và các xã còn khó khăn, bất cập. Đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, kinh phí bố trí cho sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội chưa bảo đảm theo quy định. Công tác quản lý văn hoá có lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các văn hoá phẩm độc hại, tài liệu phản động, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Từ những hạn chế trên, huyện đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp hướng đến:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII); tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Hai là, nâng cao tính chủ động và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị ở các cấp, các ngành trong toàn Đảng bộ huyện; chú trọng giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong cán bộ, đảng viên, công chức, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tập trung sức xây dựng môi trường văn hóa, đa dạng, phong phú, lành mạnh; di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, môi trường thiên nhiên được bảo vệ, chăm sóc.

Ba là, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Phấn đấu hàng năm toàn huyện có từ 95%  trở lên số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, có 85 – 90% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Phấn đấu, 100% số cơ quan, đơn vị, trường học,… đạt đơn vị chuẩn văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước; đưa các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.

Bốn là, củng cố, xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin đại chúng nhằm đảm bảo cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đến tận người dân.

Năm là, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trên lĩnh vực văn hóa từ huyện đến cơ sở. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống ra khỏi tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và đoàn thể xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong việc vận động, giáo dục quần chúng trong sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ văn hóa. Thực hiện tốt xã hội hóa văn hóa./.

 

                                                                                     Kim Loan


  • |
  • 1249
  • |

Các tin khác