Trên cơ sở Quyết định số 3047/QĐ-UBND, ngày 15/9/2014 của UBND tỉnh về việc phân khai kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn năm 2014, huyện được hỗ trợ 272 hộ/977 khẩu, kinh phí 97.700.000 đồng; trong đó, xã Hàm Cần 210 hộ/752 khẩu/75.200.000 đồng, Mỹ Thạnh 62 hộ/225 khẩu/22.500.000 đồng; sản xuất nông- lâm nghiệp có bước phát triển; chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở 2 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số (Hàm Cần, Mỹ Thạnh) được xác định những cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao và đồng bào hưởng ứng tích cực. Thực hiện Kế hoạch số 61, ngày 19/5/2014 của UBND huyện về triển khai trồng thanh long cho hộ nghèo dân tộc thiểu số xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh, qua triển khai đã tổ chức đúc 4.500 trụ và bàn giao cho 45 hộ nghèo; trong đó Hàm Cần 31 hộ/ 3.100 trụ, Mỹ Thạnh 14 hộ/1.400 trụ, nâng tổng diện tích thanh long của đồng bào dân tộc thiểu số lên 149 ha. UBND huyện chỉ đạo phòng Dân tộc phối hợp với các ngành chức năng của huyện và UBND xã Mỹ Thạnh tổ chức bốc thăm phân lô cho 103 hộ hộ/86,2 ha cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất thôn 01 xã Mỹ Thạnh; bà con đã tích cực làm đất và xuống giống được 60ha, còn lại khoảng 26ha do vướng gốc cây, bãi gỗ, đá nên chưa sản xuất kịp.
Công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện và duy trì thường xuyên; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số được tiếp tục triển khai thực hiện thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở 2 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, tình trạng mưa ít, nắng hạn làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây bắp lai; thiếu nước sinh hoạt ở Hàm Cần; số hộ nghèo còn ở mức cao (137 hộ, chiếm tỷ lệ 27,62% so với tổng số hộ nghèo trên toàn huyện; trong đó Hàm Cần 93 hộ, chiếm tỷ lệ 18,75%; Mỹ Thạnh 42 hộ, chiếm tỷ lệ 8,46%; Tân Thuận 11 hộ, chiếm tỷ lệ 2,21%; Tân Lập 03 hộ, tỷ lệ 0,6%).
Với những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trên, thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung triển khai một nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 25-NQ/TU, ngày 14/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/01/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, trong đó có công tác đối với đồng bào Chăm.
- Khẩn trương thực hiện Đề án phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Chỉ thị số 1971/CT-TTg, ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế gắn với an ninh, quốc phòng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội còn tiềm ẩn, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm.
- Tăng cường công tác an ninh, chính trị, chống “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chống lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo; củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể chính trị- xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự vững mạnh.
- Đôn đốc, hướng dẫn Mặt trận, các đoàn thể thường xuyên sâu sát cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, kịp thời phản ánh cho cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết các vấn đề bức xúc, chính đáng của đồng bào. Tăng cường công tác phát triển đoàn viên, hội viên, cốt cán chính trị là người dân tộc thiểu số.
- Phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào an tâm sản xuất, kịp thời đấu tranh ngăn chặn những phần tử lợi dụng chính sách dân tộc vi phạm pháp luật, tuyên truyền xuyên tạc chia rẽ sự đoàn kết nội bộ các dân tộc, ngăn chặn kịp thời hiện tượng truyền đạo trái phép trong đồng bào dân tộc thiểu số.
- Động viên và tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số theo học trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, các trường đại học trên cả nước; giúp cho các em người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tìm được việc làm, trong đó ưu tiên tiếp nhận một số em vào làm các vị trí phù hợp trong bộ máy cấp xã, cấp huyện.